Đảm bảo cung ứng xăng dầu để phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân trên địa bàn tỉnh
Đảm bảo cung ứng xăng dầu để phát triển sản xuất, ổn định đời sống người dân trên địa bàn tỉnh
Võ Tá Nghĩa
Năm 2022, nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chiến tranh Nga- Ucraina, giá cả xăng dầu nhiều thời điểm tăng cao, gây áp lực lên chi phí sản xuất, sinh hoạt, chi phí vận tải, tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp. Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, năng lượng cũng là yếu tố quan trọng trong kinh tế vĩ mô, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tác động lớn đến đời sống, an sinh xã hội trên địa bàn. Giá năng lượng là một trong các chi phí sản xuất – vận hành, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo kết quả một cuộc thăm dò về Tiêu thụ Năng lượng của NFIB (Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia, Mỹ), chi phí năng lượng là một trong 3 chi phí kinh doanh hàng đầu của 35% doanh nghiệp nhỏ. Tại Việt Nam, nhiều thông tin đã chỉ ra rằng ở nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có những thời điểm chi phí năng lượng chiếm đến hơn 60% giá thành của sản phẩm.
Báo cáo của IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và WB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nâng mức dự báo về rủi ro lạm phát leo thang. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3% năm 2022, giảm mạnh so với mức dự đoán trước đó là 4,5%. Kinh tế thế giới ngày càng phải đối mặt rõ nét hơn với nguy cơ lạm phát cao đi kèm suy thoái tiềm ẩn.
Mặc dù lạm phát thế giới tăng cao nhưng lạm phát của Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Tĩnh cơ bản vẫn ổn định. Bình ổn được mặt bằng giá, đặc biệt là đảm bảo cung ứng và ổn định giá cả xăng dầu là việc rất quan trọng để giữ được ổn định vĩ mô, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư. Giá cả ổn định cũng giúp thu nhập của người dân không bị giảm đi, từ đó yên tâm chi tiêu, đầu tư nên sẽ giúp tổng cầu tăng.
Hà Tĩnh, hiện có 01 Tổng kho xăng dầu tại Vũng Áng với trữ lượng 60.000 m3 (Kho xăng dầu đầu mối); Kho xăng dầu Xuân Giang với trữ lượng 9.000 m3; cùng với 234 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho phát triển kinh tế. Thực tế là thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước tăng cao, nguồn cung tại nhiều tỉnh trong nước có thời điểm bị gián đoạn, đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân, một số thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong nước xẩy ra hiện tượng các cửa hàng xăng dầu tự ý đóng cửa, tạm ngừng bán hàng đã gây bất ổn đến tâm lý người dân, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Thực hiện các Công điện của Chính phủ, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp; thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn; tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng xăng dầu vi phạm về niêm yết giá, niêm yết thời gian bán hàng, có hành vi găm hàng, tự ý ngừng bán hàng khi chưa được Sở Công Thương đồng ý bằng văn bản. Tổ chức làm việc với các đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu để ký cam kết đảm bảo cung ứng…; phối hợp quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu tạo điều kiện thuận lợi cho các cửa hàng xăng dầu trong thực hiện các thủ tục hành chính về kinh doanh xăng dầu. Tổ chức làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý các hoạt động xăng dầu như Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Nhằm tiếp tục đảm bảo cung ứng xăng dầu, bình ổn thị trường hàng hóa góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống người dân thời gian tới. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện các giải pháp như: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế thống nhất phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tăng cường giám sát việc bán hàng của các cửa hàng bán lẻ, không để hiện tượng ngừng bán hàng khi chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương; thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến của thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, sẽ tiếp tục kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định.