Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025
Để đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động khuyến công theo đúng tinh thần, nội dung, quy định Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngày 19 tháng 02 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tiếp tục nâng cao nhận thực, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm phạm pháp luật về khuyến công của địa phương phù hợp quy định của pháp luật liên quan; ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện của địa phương và bối cảnh tình hình mới. Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công tại địa phương theo Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình khuyến công địa phương; lồng ghép, phối hợp các chương trình mục tiêu trên địa bàn để tăng hiệu quả cho hoạt động khuyến công. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn. Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và liên tục về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến công. Xác định rõ vai trò Sở Công Thương là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương. Phân công các Sở ngành liên quan, UBND cấp huyện phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương trong thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công tại địa phương. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức khuyến công trên địa bàn theo định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Công Thương; tổ chức bộ máy theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động; đầu tư nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các Trung tâm khuyến công theo hướng chuyên nghiệp; bố trí đủ biên chế; có chính sách bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công; xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến công.
Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tổ chức quán triển sâu sắc vị trí, vai trò của công tác khuyến công trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao tinh thần trách nhiệm của Lãnh đạo Sở, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện các hoạt động khuyến công; tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm khuyến công tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương; đồng bộ với các chương trình hỗ trợ về đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nội dung hoạt động, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành.
Cũng theo Chỉ thị, các đơn vị liên quan như Cục Công Thương địa phương, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ của Bộ Công Thương chịu trách nhiệm: Tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền thường xuyên, rộng rải để nhân dân, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông nghiệp nắm bắt và tham gia tích cực các nội dung hoạt động khuyến công; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát các đề án khuyến công quốc gia hàng năm; xây dựng kế hoạch ngân sách, dự toán kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm, quy định tài chính liên quan, định mức kinh tế kỹ thuật về dịch vu sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khuyến công; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có hoạt động khuyến công; thực hiện công tác thi đua khen thương, trình cấp có thẩm quyền xem xét khen thương đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến công hàng năm, giai đoạn.
Đức Hà