Giải pháp đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Trong thời gian qua do chiến tranh Nga - Ucraina, trong nước Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm ngừng sản xuất một thời gian, ảnh hưởng đến yếu tố nguồn cung; giá cả xăng dầu thế giới biến động tăng, giảm thường xuyên ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu; Thị trường xăng dầu trong tỉnh, cũng chịu tác động chung của thị trường xăng dầu thế giới và cả nước. Công tác quản lý nhà nước về xăng dầu khó khăn nhất từ trước đến nay: nguồn cung đôi lúc thiếu hụt, tình trạng các cửa hàng xăng dầu chỉ duy trì hoạt động, không có lãi, dẫn đến nguy cơ xin tạm ngừng kinh doanh, xin ngừng kinh doanh xuất hiện.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, triển khai kịp thời của các sở, ngành, địa phương, và đặc biệt nỗ lực của hệ thống phân phối, thị trường xăng dầu trên địa bàn Hà Tĩnh không căng thẳng về nguồn cung như các địa phương lớn như TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Sở dĩ, đạt được kết quả trên, có thể nói Hà Tĩnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo nguồn cung.
Thứ nhất, Hà tĩnh đã tạo lập, phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu bố trí hợp lý, rộng khắp toàn tỉnh, tương đối quy mô, với 01 Tổng kho xăng dầu tại Vũng Áng với trữ lượng 60.000 m3 (Kho xăng dầu đầu mối); Kho xăng dầu Xuân Giang (Kho tuyến sau) với trữ lượng 9.000 m3; cùng với 229 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 5 CHXD trên mặt nước, đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho phát triển kinh tế,…Hệ thống các CHXD được đầu tư, nâng cấp, cơ sở vật chất các cửa hàng xăng dầu cơ bản được đầu tư khang trang, đảm bảo các quy chuẩn theo quy định.
Thứ hai, triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương của cấp trên về quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.
- Triển khai nghiêm túc các Văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ, các Văn bản của Bộ Công Thương về quản lý, điều hành thị trường xăng dầu (gần đây là Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu; Công điện 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 về quản lý điều hành mặt hang xăng dầu, Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022, Công văn số 6956/BCT-TTTN ngày 04/11/2022 của Bộ Công Thương liên quan đến công tác tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn cung và chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu).
- Tham mưu UBND tỉnh Văn bản: số 630/UBND-KT2 ngày 10/02/2022, số 1474/UBND-KT2 ngày 30/3/2022, số 5264/UBND-KT2 ngày 19/9/2022, số 6207/UBND-KT2 ngày 01/11/2022 về triển khai các Văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương về điều hành, quản lý mặt hàng xăng dầu.
- Tham gia góp ý các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu như giảm thuế TTĐB đối với xăng, thuế GTGT đối với xăng dầu. Triển khai các Nghị quyết về giảm thuế môi trường.
- Tham gia các Hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức về điều hành, quản lý xăng dầu trên địa bàn cả nước, trong đó đã đề xuất một số nội dung về chiết khấu xăng dầu, về chi phí trong giá cơ sở, nguồn cung về xăng dầu.
- Tổ chức Hội nghị với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý trên địa bàn, để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo kinh doanh trong hệ thống phân phối đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn không bị đứt gãy nguồn cung.
- Tổ chức làm việc với 04 thương nhân đầu mối, 01 thương nhân phân phối để nắm nguồn cung, tình hình cung ứng, khó khăn, vướng mắc, động viên doanh nghiệp tạo nguồn cung để cung ứng kịp thời đầy đủ cho hệ thống các CHXD trên địa bàn Hà Tĩnh.
Thứ ba, Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu
- Chỉ đạo các địa phương chủ động giám sát việc mở cửa hàng xăng dầu và bán hàng theo đúng quy định, thông báo kịp thời cho Sở Công Thương, Cục Quản lý Thị trường các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Cục QLTT, các ngành chức năng, địa phương triển khai kiểm tra kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là giám sát việc bán xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu tại các thời điểm trước kỳ điều chỉnh giá bán xăng dầu của liên Bộ Công Thương – Tài chính.
- Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương và Cục QLTT Hà Tĩnh đã xử lý 05 CHXD có hành vi ngừng bán hành khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Thứ tư, phối hợp quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh ngiệp
- Tổ chức làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý các hoạt động xăng dầu như Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
- Phối hợp với các ngành: rà soát triển khai đầu tư tại các dự án đầu tư có liên quan đến xăng dầu, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, các loại giấy phép liên quan khác đến hoạt động kinh doanh xăng dầu; thẩm định thiết kế cửa hàng theo quy chuẩn quy định hiện hành; đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh của các doanh nghiệp về các quy định của nhà nước, nghiệp vụ liên quan trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
- Phối hợp tham mưu UBND tỉnh bổ sung các điểm đấu nối vào Quốc lộ đối với các 09 CHXD đã tồn tại trước, xử lý dứt điểm việc kiến nghị liên quan đến đấu nói vào các CHXD, các CHXD được hoạt động bình thường, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
- Tổ chức phổ biến tuyên truyền pháp luật về kinh doanh xăng dầu như Nghị định về kinh doanh xăng dầu, các quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu, quy định xử phát trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng, các Nghị định quy định về PCCC, môi trường, an toàn lao động, đo lường, chất lượng,…
Mặc dù đạt được kết quả nhất định, song hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh còn có một số bất cập nhất định: Nguồn cung, giá xăng dầu chịu áp lực rất lớn của thị thế giới và sự điều hành của Chính phủ, liên Bộ Công Thương - Tài chính, chính sách vỹ mô liên quan đến các loại thuế tính trong giá xăng dầu (thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường); Công tác quản lý quy hoạch hệ thống kho xăng dầu còn bất cập, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa được sửa đổi để phù hợp với các quy định của các Luật, còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn,... Việc nhà nước ban hành các văn bản bãi bỏ quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước theo nếp cũ từ trước đến nay; cơ sở vật chất kỹ thuật của một số CHXD chưa đảm bảo yêu cầu; đội ngũ thương nhân, nhân viên kinh doanh xăng dầu chưa đáp ứng yêu cầu theo xu hướng kinh doanh hiện đại; việc tuân thủ các quy định của pháp luật của các thương nhân kinh doanh xăng dầu có lúc có nơi chưa được nghiêm minh; nhiều văn bản quản lý nhà nước về hoạt động này còn chồng chéo.
Đề xuất các giải pháp thời gian tới
- Kịp thời kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu để thời gian điều hành giá phù hợp, xác định giá cơ sở, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí phát sinh, đảm bảo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và cả các cửa hàng bán lẻ đảm bảo bù đắp được chi phí kinh doanh, đảm bảo duy trì hoạt động.
- Triển khai Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch hệ thống dự trữ dầu thô và sản phẩm dầu và khí đốt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 liên quan đến các Kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế thống nhất phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh để: các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; Người tiêu dùng hiểu và thông tin với các cơ quan chức năng về các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm theo quy định của Nghị định quy định xử phát trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hoá lỏng.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhất là phối hợp kiểm tra về số lượng, chất lượng, giá xăng dầu theo quy định, giám sát việc bán hàng của các cửa hàng bán lẻ, không để hiện tượng ngừng bán hàng khi chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương.
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh góp ý, kiến nghị Bộ Tài Chính đề xuất Chính phủ, Quốc hội giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu nhằm đảm bảo giá bán xăng dầu phù hợp, giảm áp lực về lạm phát của nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng khi giá đầu vào từ xăng dầu quá cao.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp các thủ tục về đầu tư xây dựng mới, mở rộng nâng cấp các Kho xăng dầu theo quy định của pháp luật về đầu tư Kho xăng dầu.
- Phát huy vai trò của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh, của huyện, thành phố, thị xã trong việc gây áp lực cho các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý nhà nước cho các cán bộ của phòng kinh tế/ kinh tế hạ tầng, lực lượng quản lý thị trường, các lực lượng chức năng khác thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.