Giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm
Sở Công Thương đã tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện và điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng có liên kết, cụ thể:
- Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013; Chương 2 Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 Chương 3 Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 về phát triển thương mại nông thôn; Nghị quyết 91/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu chủ yếu sản xuất trong tỉnh đến năm 2020;
- Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 28/7/2013 và Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ngày 07/08/2015 của UBND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 13/5/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh; Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 26/03/2019 về việc Quy định hướng dẫn trình tự, hồ sơ thủ tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020; Quyết định số 62/2014/QĐ-UBND ngày 15/9/2014 về việc ban hành một số nội dung thực hiện Nghị quyết 91/2014/NQ-HĐND; Kế hoạch số 346/KH-UBND ngày 09/9/2013 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 của HĐND tỉnh;
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án, Chương trình: Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch phát triển thương mại nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ đến năm 2020; Đề án quản lý chuỗi sản xuất, bảo quản, tiêu thụ lương thực, thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; Đề án phát triển xuất khẩu...
Công tác tuyên truyền
- Giai đoạn 2010-2019, tổ chức 29 lớp tập huấn phổ biến huấn kiến thức về ATTP và phổ biến văn bản pháp luật mới tại địa bàn các huyện, thành phố, thị xã cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương; đồng thời lồng ghép các nội dung về đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản vào các lớp phổ biến văn minh thương mại, văn hóa ứng xử trong kinh doanh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện 400 chương trình phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền Hình Hà Tĩnh, thời lượng từ 25-30 phút/số phản ánh đầy đủ các nội dung về các chính sách, giải pháp của các ngành, các cấp về đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, trong tỉnh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
- Ghi trên 2.000 băng đĩa gửi UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý các chợ để thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, ATTP qua hệ thống loa phát thanh. Phát 44.790 tờ rơi, ký cam kết chấp hành pháp luật đối với 22.110 hộ kinh doanh (trong đó có nội dung về ATTP).
- Phối hợp thực hiện Chương trình hành động vì ATTP do Bộ Công Thương phát động. Toàn thể cán bộ công chức, viên chức đã tham gia ký tên hưởng ứng Chương trình “Triệu chữ ký về ATTP”; đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hưởng ứng, đã nhận được hơn 1.000 chữ ký, ngoài ra nhiều người đã ký trực tiếp trên trang web của Chương trình.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- Thực hiện chính sách phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, bước đầu đã hình thành các mô hình có hiệu quả trong thực tế, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa và giải quyết đầu ra cho nông dân. Cụ thể: Hỗ trợ cho 2,16 tỷ đồng cho 09 đơn vị thực hiện liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh như lợn thịt, trồng chè, hải sản... Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động quan tâm xây dựng hệ thống chuỗi tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trên địa bàn.
- Năm 2017, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4040/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 về việc phê duyệt Dự án Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, trong đó triển khai xây dựng 02 mô hình: Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân và Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Mô hình doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân, lựa chọn Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh triển khai liên kết với Hợp tác xã Tây Vĩnh và 100 hộ nông dân trồng lúa tại xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà trong việc cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và thu mua lúa cho nông dân; Công ty xây dựng kho chứa, bảo quản và lắp đặt hệ thống máy móc để chế biến các sản phẩm từ lúa gạo. Mô hình doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân, lựa chọn Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong triển khai liên kết với Hộ kinh doanh và 80 hộ nông dân trồng cam, bưởi tại các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, huyện Hương Khê. Doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cam bưởi cho nông dân và hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng của nông dân tham gia liên kết. Nhờ chuỗi liên kết này, quá trình sản xuất người nông dân được cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng; đến vụ thu hoạch được thu mua với giá thành hợp lý, góp phần giải quyết được tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” trong sản xuất nông nghiệp.
- Năm 2018, tham mưu xây dựng 05 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm trong tỉnh tại TP. Hà Tĩnh, TX. Hồng Lĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ với tổng kinh phí hỗ trợ đạt 1.000 triệu đồng.
Việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã giúp đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; gia tăng chuỗi giá trị và cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm tại địa phương.
Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn:
- Hạ tầng thương mại nông thôn có bước phát triển khá, từ chỗ chủ yếu là chợ nông thôn xuống cấp nay đã được cải tạo, xây mới, năm 2008, chưa có hình thức bán hàng hiện đại nay đã xuất hiện siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện ích, TTTM mang lại diện mạo mới cho thương mại nông thôn. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 168 chợ, 02 TTTM, 06 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tạp hóa tại khu vực nông thôn. Hệ thống hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo qua các năm đã nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, làm đòn bẩy kích thích sản xuất, tiêu dùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng lẫn chủng loại, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, tiện ích... của người tiêu dùng.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2014-2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ nâng cấp cải tạo 72 chợ; xây dựng mới 16 chợ với tổng kinh phí hỗ trợ đạt 38.689 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi mô hình cho 21 chợ với tổng kinh phí 630 triệu đồng (30 triệu đồng/chợ)
- Do có hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo đạt tiêu chuẩn nên một số chợ như Chợ Hội, Chợ Hồng Lĩnh, Chợ Hồng Sơn - La Giang đã trở thành điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người sản xuất đến người tiêu dùng.
Hỗ trợ chính sách tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh phục nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Trong giai đoạn 2013-2018, thực hiện các Quyết định số 65/2012/QĐ-UBND ngày 19/12/2012; Quyết định số 62/2014/QĐ-UBND ngày 15/9/2014; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 13/5/2017, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho 86 đơn vị với số tiền 23.498 triệu đồng, trong đó năm 2013: 17 đơn vị với số tiền 4.117,5 triệu đồng; năm 2014: 17 đơn vị với số tiền 5.754,75 triệu đồng; năm 2015: 20 đơn vị với số tiền 6.509,2 triệu đồng; năm 2016 : 16 đơn vị với số tiền 5.185,975 triệu đồng; năm 2017: 7 đơn vị với số tiền 887,5 triệu đồng; năm 2018: 9 đơn vị với số tiền 1.042,9 triệu đồng
Hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm:
- Giai đoạn 2010-2019, tham mưu tổ chức tổ chức 02 lễ hội, 16 hội nghị kết nối giao thương, 22 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; tham gia 19 hội chợ trong tỉnh, 96 hội chợ ngoài tỉnh, 09 hội chợ ngoài nước, cụ thể:
+ Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất - Năm 2017 và lần thứ hai năm 2018 với trên 50 tổ chức, doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm, thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan mua sắm. Sản phẩm chủ yếu là cam, bưởi, các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh.
+ Tổ chức 16 hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến giao thương với sự tham gia của trên 1.600 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... trên địa bàn tỉnh. Qua các hội nghị, đã có 135 cặp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chuỗi siêu thị ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác, ký kết cung ứng hàng hóa vào siêu thị... Hội nghị kết nối cung cầu là cầu nối để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận được với các nhà phân phối, nhà đầu tư, mở ra hướng đi, hướng phát triển cho các sản phẩm trong tỉnh nói chung, sản phẩm nông nghiệp nói riêng.
+ Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho 13 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ 414,8 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương: thịt băm xúc xích, mật ong, lạc xuất khẩu, gạo xuất khẩu, nhung hươu, nước mắm, dầu lạc, bánh gai.Việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu đã góp phần quảng bá, tăng cường uy tín của các sản phẩm sản xuất trong tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
+ Tiến hành in ấn tập gấp “Doanh nghiệp tiêu biểu Hà Tĩnh”, trong đó có: 35 doanh nghiệp thuộc nhóm CN-TTCN, 20 doanh nghiệp thuộc nhóm thương mại dịch vụ và 22 doanh nghiệp thuộc nhóm nông nghiệp.
+ Tham gia Hội chợ: Đưa sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nói chung, sản phẩm nông nghiệp nói riêng và mời gọi, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Tại các hội chợ tổ chức trong tỉnh, kêu gọi từ 15-20 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại hội chợ. Thông qua các hội chợ, nhiều sản phẩm của Hà Tĩnh đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, tin dùng như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, kẹo cu đơ Phong Nga, nhung hươu Hương Sơn, nông sản, dầu lạc, dầu vừng Thắm An, nem chua Ý Bình, bánh đa nem, nấm linh chi, nấm dược liệu,...
+ Tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt về nông thôn (theo nội dung chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia).
- Tiến hành khảo sát kết nối, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh tại hệ thống siêu thị Co.opMart, Vinmart, và một số nhà phân phối lớn tại Hà Nội, TP HCM; đến nay có trên 50 sản phẩm của Hà Tĩnh được cung cấp vào hệ thống siêu thị Co.opmart, Vinmart trên cả nước.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất nông nghiệp trong tham gia ứng dụng phương tiện điện tử, internet để giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ hơn 50 sản phẩm quảng bá trên sàn www.hatinhonline.vn, dacsan.hatinh.vn; xây dựng và bàn giao 10 website thương mại điện tử cho các doanh nghiêp và hộ kinh doanh. Nhờ vậy nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Hà Tĩnh đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
- Bên cạnh đó, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Chỉ thị 48-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện Cuộc vận động được phổ biến, quán triệt đến tận Đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; góp phần rất lớn nhằm giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh.







