Hà Tĩnh: Công nghiệp hỗ trợ hút nhà đầu tư
Phát triển công nghiệp hỗ trợ sau thép là “câu chuyện” khá lạ lẫm, thế nhưng tỉnh Hà Tĩnh có nhiều biện pháp và giải pháp để thu hút các nhà đầu tư.Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước do đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm trên lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực mà cả Chính phủ lẫn các tỉnh, thành phố trong cả nước đang ưu tiên mời gọi đầu tư nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, khoảng 3- 4 năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng nhanh. Trong năm 2019 đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 3.834 tỷ đồng và 06 dự án đầu tư FDI với tổng vốn 12,8 triệu USD. Cũng trong năm 2019, thành lập mới 1.110 doanh nghiệp (tăng 3,74% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng (tăng 17%).
Những bước đi đúng hướng
Đến thời điểm này, trên địa bàn khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) có 137 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư, với số vốn đăng ký trên 12 tỷ USD và trên 50.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng, tập trung vào 03 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Vũng Áng 1, Khu công nghiệp Phú Vinh, Khu công nghiệp Hoành Sơn đã đi vào hoạt động. Các dự án về cảng biển, điện năng, luyện thép, hậu thép, công nghiệp phụ trợ đang đóng vai trò chủ công, chiếm trên 2/3 tổng số doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế trong thời gian qua. Hiện nhiều sản phẩm về thép, hậu thép, sản phẩm công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vũng Áng đang nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dương Tất Thắng chia sẽ: “Nếu ngành sản xuất sau thép phát triển thì sẽ kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ khác tham gia phát triển như: Thương mại, dịch vụ cho quá trình vận chuyển, đóng gói, cảng biển, logistics… Đây là một lĩnh vực mà tỉnh phải ưu tiên, trên cơ sở tiếp tục nhìn nhận vai trò trọng tâm là Formosa và kết nối với các dịch vụ phụ trợ phục vụ sản xuất thép, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất tại khu KT Vũng Áng”.
Giám đốc sở Công Thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng cho rằng: Nhiều dự án của các tập đoàn lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động như: dự án nhà máy thép - cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1... đã phát huy hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là động lực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 (giá so sánh) ước đạt 75.800 tỷ đồng, tăng gấp 6,11 lần so với năm 2015, tăng 32,12% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tăng từ 13,27% năm 2015 lên 37,3% năm 2019. Chỉ số sản xuất toàn ngành năm 2019 ước tăng 30,74% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 30,9%; sản xuất phân phối điện ước tăng 5,9%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 4,98 lần và ngành khai khoáng tăng 33,7% so với cùng kỳ.
Thép cuộn Formosa
Theo ông Chu Đức Khải - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam: Ngành thép Việt Nam hiện đứng thứ 16 trên thế giới. Điều đó cho thấy “bức tranh màu hồng” cho các doanh nghiệp ngành thép trong nước mở rộng phát triển bên cạnh các thuận lợi về cơ sở hạ tầng của chúng ta rất thuận lợi, nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, ngành thép còn có những thách thức như nhiều nước trên thế giới đưa ra các giải pháp phòng vệ thương mại hay sự mở cửa hợp tác sâu rộng đã tăng thêm sự cạnh tranh, tác động đến giá cả, chất lượng… Trong khi đó, trang thiết bị công nghệ đầu tư của doanh nghiệp trong nước hầu như đã lạc hậu cần phải thay đổi công nghệ. “Đã đến lúc Việt Nam cần phát triển ngành thép theo hướng nâng cao chất lượng thay cho số lượng và đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp chế tạo máy”. Ông Khải thông tin.
Tạo môi trường thuận lợi để phát triển công nghiệp hỗ trợ
n FormosaTrong thời gian tới, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp như: kết cấu hạ tầng đồng bộ, sẽ có đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao đi qua, có quốc lộ 8A, 12A kết nối qua Lào đến với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Myanma. Đặc biệt, Hà Tĩnh có Khu Kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia với diện tích tự nhiên 22.781 ha, có hệ thống cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương với khả năng tiếp nhận tàu hàng từ 30 nghìn DWT đến 200 nghìn DWT vào neo đậu, đáp ứng được nhiều điều kiện về xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển. Hà Tĩnh có Formosa là doanh nghiệp lớn nhất ASEAN cung cấp thép đầu vào cho các doanh nghiệp. Sản lượng thép của FHS năm 2019 ước đạt 4,85 triệu tấn, tăng 23,2%; phôi thép tiêu thụ năm 2019 ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 2,27 lần. Dự kiến năm 2020 sản lượng thép đạt 5,3-5,5 triệu tấn và phôi thép tiêu thụ dự kiến 1,5 triệu tấn.
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh ngành công nghiệp hỗ trợ sau thép đầu tư vào KKT Vũng Áng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi của khu kinh tế như được bàn giao mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng đồng bộ, quỹ đất luôn đảm bảo và nhiều ưu đãi khác cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sau thép… Hà Tĩnh cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ, ngành Trung ương trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ, tận dụng lợi thế nguyên liệu cơ bản là sản phẩm của dự án Formosa để hình thành chuỗi giá trị ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; kết nối sản phẩm của FHS với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút các dự án sản xuất, cung cấp các vật tư, thiết bị thay thế định kỳ, thường xuyên và sản xuất, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu thép.
Tại Hội thảo, về Gang - Thép được tổ chức vừa qua tại Hà Tĩnh ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương biểu dương tỉnh Hà Tĩnh đã có hướng phát triển đúng đắn và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc phát triển công nghiệp thép, sau thép và hỗ trợ công nghiệp. Đồng thời Thứ trưởng cũng đánh giá rất cao Hội thảo lần này chính là hành động cụ thể để kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thép, sau thép. Việc hình thành, phát triển các doanh nghiệp quanh trục xoay luyện thép, hậu thép, công nghiệp phụ trợ, đang tạo ra sự sôi động trong hoạt động của khu kinh tế Vũng Áng. Và đây cũng được xác định là hạt nhân quan trọng của khu kinh tế, từ đó đẩy mạnh phát triển cảng biển, logistics, điện năng và nhiều ngành nghề khác, đưa khu kinh tế Vũng Áng phát triển ngày càng sôi động và trở thành đầu tàu kinh tế của Hà Tĩnh.
Báo Công Thương