Hà Tĩnh hợp tác phát triển thương mại biên giới
Trên địa bàn tỉnh có Khu Kinh tế CKQT Cầu Treo; KKT Vũng Áng - một trong năm khu kinh tế trọng điểm quốc gia có tổng diện tích 22.781 ha với hạt nhân phát triển là cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30 vạn tấn. Thời gian qua; nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và công tác điều hành, phối hợp của Ban chỉ đạo Thương mại biên giới tỉnh, hoạt động thương mại biên giới Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Về hoạt động thương mại: Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt được nhịp độ tăng trưởng ổn định qua các năm. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đạt 242,6 triệu USD, tăng 142,7% so với năm 2016; 8 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 182,8 triệu USD. Hà Tĩnh hiện có 06 chợ biên giới; ngoài Chợ Tây Sơn hoạt động cả ngày với số lượng hộ kinh doanh khá, các chợ còn lại chỉ hoạt động vào buổi sáng, mỗi tuần họp hai đến ba phiên, chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân biên giới.
Về hoạt động xuất nhập cảnh: Tổng số lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo từ 01/01/2016 đến 13/8/2018 là 1.320.327 lượt, tổng số lượng phương tiện xuất nhập cảnh là 260.380 lượt.
Về hợp tác phát triển trên các lĩnh vực:Thời gian qua, Hà Tĩnh và các tỉnh của CHDCND Lào đã tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Từ năm 2016 đến đầu tháng 8 năm 2018, Hà Tĩnh tổ chức 88 đoàn ra với 760 lượt cán bộ, doanh nghiệp của tỉnh sang thăm và làm việc tại các tỉnh của Lào; đón tiếp và làm việc với 89 đoàn với 1537 lượt cán bộ, doanh nghiệp nước CHDCND Lào đến thăm và làm việc tại tỉnh với mục đích chủ yếu sang tham dự các Hội nghị thường niên; thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giáo dục và đào tạo, văn hóa, đầu tư, thương mại, kinh tế và tham dự các sự kiện trọng đại của hai nước Việt Nam - Lào.
Về hợp tác quản lý và phát triển cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu:Hà Tĩnh có 145 km đường biên tiếp giáp với 2 tỉnh của Lào, trong đó tuyến biên giới Hà Tĩnh - Bô Ly Khăm Xay có 25 cột mốc, 6 cọc dấu và tuyến biên giới Hà Tĩnh - Khăm Muộn có 30 mốc. Năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới Việt - Lào, là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành công tác cắm mốc tại thực địa trên toàn tuyến, được Ban Chỉ đạo cắm mốc Trung ương và Bộ Ngoại giao hai nước đánh giá cao.
Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Cẩu Treo thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý cửa khẩu của nước bạn Lào trong quản lý, điều hành các hoạt động dịch vụ thương mại tại cửa khẩu. Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ hoặc đột xuất với các lực lượng chức năng và với các cơ quan tại Cửa khẩu Nậm Phao (Lào) để đánh giá tình hình thực hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tổ chức làm việc, thống nhất ý kiến xây dựng Đề án thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolykhămxay theo chủ trương của Chính phủ hai nước, thiết lập một không gian kinh tế chung, đưa hoạt động kinh tế, thương mại giữa hai nước và khu vực ngày một phát triển.
Về hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư:Tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư, ký kết các thỏa thuận hợp tác tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp trong tỉnh với các đối tác từ CHDCND Lào. Qua đó, hình thành nên các mối quan hệ hợp tác thu hút các doanh nghiệp, Công ty của Lào đầu tư vào Hà Tĩnh và Hà Tĩnh đầu tư sản xuất kinh doanh tại Lào. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Việt - Lào (Vilaco) đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm thạch cao tại tỉnh Khăm Muộn. Công ty hiện đang đầu tư mở rộng khai thác mỏ mới tại bản Tưng, huyện Xebangphay và nhà máy tấm trần công nghiệp 10.000.000m2/năm với tổng mức đầu tư 3,500 triệu USD và nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh khác đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Lào như Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, Tập đoàn Hoành Sơn...
Thực hiện Hiệp định về hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào, năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh được giao triển khai dự án “Xây dựng hệ thống thủy lợi tại huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn” bằng nguồn vốn do Chính phủ Việt Nam viện trợ cho Chính phủ Lào. Hiện đã gửi Hồ sơ xin ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Về lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, khoa học và công nghệ: Hà Tĩnh đã tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, đồng thời chủ động làm cầu nối liên doanh, liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia quảng bá tiềm năng cơ hội phát triển du lịch theo các tour du lịch với các tỉnh của Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao (đường 8) và cửa khẩu Cha Lo - Na Phàu (đường 12).
Về hợp tác trong công tác chông buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý chất lượng hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Lào: Các đơn vị đã tổ chức tốt trực ban, trực chiến và tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ; chủ động nắm chắc tình hình nội, ngoại biên; phối hợp với các lực lượng chức năng của Lào trong công tác đảm bảo ANTT, đặc biệt là trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tuần tra bảo vệ biên giới, giải quyết các vụ việc liên quan đến công dân của 02 nước. Từ năm 2016 đế nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào đã xử lý 49 chuyên án, bắt giữ 77 đối tượng.
Bên cạnh những kết quả tích cực như vậy, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc như sau:
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và phương tiện tại CKQT Cầu Treo còn thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống kho, bãi, hệ thống nhà chờ làm thủ tục, trung tâm mua bán hàng hóa, khu giải trí, ăn uống… còn thiếu và yếu. Tại cửa khẩu, khu vực làm việc chưa ổn định; phương tiện kiểm tra, sang tải, hạ tải chưa được trang bị đầy đủ, trong khi lượng hàng hóa và phương tiện đi lại khá lớn gây khó khăn trong công tác kiểm tra giám sát hàng hóa, phương tiện, hành khách qua cửa khẩu… có lúc còn gây ách tắc tại 2 cửa khẩu Việt Nam và Lào. Hiện chưa có địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập qua cửa khu vực cửa khẩu, nên việc kiểm tra đều phải thực hiện tại lồng xuất, nhập cảnh thuộc khu vực nhà liên hợp kết hợp Quốc môn.
Nguồn lực tài chính của hai bên còn hạn chế, chưa thể tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng thương mại kho tàng bến bãi,… nhằm kết nối đồng bộ, có hệ thống, góp phần khai thác có hiệu quả tuyến đường 8 qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và hành lang kinh tế Đông Tây.
Hạ tầng thương mại tại địa bàn các huyện biên giới vẫn còn hết sức nghèo nàn, một số xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo cho hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân biên giới và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tại địa bàn. Sản phẩm trao đổi kém đa dạng, chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong Khu kinh tế đang còn mang tính tự phát, manh mún, vốn và kiến thức kinh doanh còn hạn chế. Các doanh nghiệp chủ yếu tìm kiếm thông tin kinh doanh và thị trường xuất khẩu theo kinh nghiệm truyền thống, các bạn hàng quen thuộc. Công tác xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư giữa các tỉnh còn hạn chế.
Sự phối hợp giữa các ban, ngành địa phương của các tỉnh vùng biên chưa thường xuyên. Kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế của cán bộ quản lý ở tuyến biên giới chưa được đồng bộ, còn nhiều mặt hạn chế.
Từ những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới tuân thủ các Hiệp định, Nghị định, Quy chế biên giới hai nước Việt Nam và Lào; tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nhằm giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Thứ hai, cần có chính sách ưu tiên về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế CKQT Cầu Treo, hệ thống thương mại biên giới, các huyện, xã biên giới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm ổn định cho nhân dân khu vực biên giới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội vùng biên giới.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ Lào có văn bản thống nhất, chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông giữa 2 cửa Khẩu Cầu Treo (Việt Nam) và Nậm Phao (Lào); đồng thời xúc tiến thống nhất sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam để triển khai đầu tư xây dựng dự án đường giao thông giữa hai cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phào (phía Lào).
Thứ tư, đề nghị Chính phủ 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sớm hoàn thành các thủ tục ký Bản ghi nhớ về việc bổ sung tuyến đường 8, đường 12 trên lãnh thổ Việt Nam, Lào vào Nghị định thư số 1 của Hiệp định về tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (gọi tắt là GMS - CBTA).
Thứ năm,đề nghị các Bộ, ban, ngành Trung ương quân tâm hỗ trợ một phần ngân sách đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu vực cổng A nhằm sớm ổn định hoạt động phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Ưu tiên đưa các danh mục công trình hạ tầng quan trọng trong Khu kinh tế CKQT Cầu Treo vào danh mục kêu gọi vốn ODA; hướng dẫn việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu và đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Thứ sáu,đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (Việt Nam) đẩy nhanh thi công đường quốc lộ 8 (đoạn từ thị trấn Phố Châu đến Cửa khẩu Cầu Treo) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương khu vực biên giới.
Võ Tá Nghĩa - Trưởng phòng QLTM