Tết Nguyên đán năm nay diễn ra sớm, cách Tết Dương lịch chưa đến một tháng, nên công tác chuẩn bị cũng như mua sắm hàng hóa sẽ sôi động vào thời điểm cuối tháng 12-2019. Đến thời điểm này, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã chuyển động với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá cả thị trường.
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; để thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 411/KH-UBND ngày 05/12/2019, Thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Đầu năm 2019, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn dịp cuối năm, giá cả thịt lợn tăng đột biến. Vì vậy, Sở Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh căn cứ vào kết quả thực hiện Tết năm 2019, cũng như dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng của Hà Tĩnh, từ các tỉnh, thành phố và dự trữ hàng hóa với mức tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết.
Giá trị hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo các loại: 6.500 tấn, Thực phẩm tươi sống: 2.650 tấn, dầu ăn: 720 nghìn lít, Đường: 480 tấn, Rau củ quả: 750 tấn, thực phẩm công nghiệp: 4.500 tấn.
Bên cạnh đó Sở đã tham mưu, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại như Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 3 (từ ngày 20/12 đến 23/12/2019) tại Trung tâm Thương mại Vincom, tổ chức phiên chợ đêm; chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức khoảng 10-15 chuyến hàng về nông thôn, thực hiện các chương trình khuyến mãi để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... diễn biến phức tạp. Do vậy, Sở Công Thương thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết để chủ động xây dựng các phương án, hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định giá cả thị trường. Cùng với đó, Sở sẽ chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đồng thời, thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết.
Sở cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính, UBND các huyện phối hợp, phân công các đội quản lý thị trường theo dõi, nắm tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng đột biến… kịp thời thông tin về Sở Công Thương khi có các diễn biến thị trường xảy ra.
Tá Nghĩa
© 2018 congthuonghatinh.gov.vn
Địa chỉ: Số 02, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh