Hoạt động Công Thương năm 2019
1. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp
- Sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là động lực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 (giá so sánh) ước đạt 75.800 tỷ đồng, tăng gấp 6,11 lần so với năm 2015, tăng 32,12% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tăng từ 13,27% năm 2015 lên 37,3% năm 2019.
- Chỉ số sản xuất toàn ngành năm 2019 ước tăng 30,74% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 30,9%; sản xuất phân phối điện ước tăng 5,9%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 4,98 lần và ngành khai khoáng tăng 33,7% so với cùng kỳ.
- Sản lượng một số sản phẩm chủ lực: Điện sản xuất ước đạt 10,5 tỷ kWh (bao gồm cả điện sản xuất tiêu thụ nội bộ Formosa 3,1 tỷ Kwh), đạt 108,2% kế hoạch năm, tăng 15,4%; thép ước đạt 4,85 triệu tấn, đạt 88,1% kế hoạch năm, tăng 23,2%; phôi thép xuất kho tiêu thụ năm 2019 ước đạt 1,7 triệu tấn, tăng 2,27 lần; bia ước đạt 60,3 triệu lít (đạt 105,8% kế hoạch); gạch nung ước đạt 113,4 triệu viên, giảm 35,5% so với cùng kỳ…
Nhìn chung, trong năm 2019, sản xuất thép gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ trong những tháng cuối quý III; nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch nung tạm ngừng hoặc sản xuất cầm chừng, sản xuất bê tông tươi giảm mạnh do nhu cầu giảm từ Formosa khi hoàn thành dự án; nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành luân phiên các tổ máy do thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, trong năm đã khánh thành và đưa vào hoạt động các dự án: Nhà máy sản xuất gỗ MDF tại CCN Vũ Quang (đến hết năm 2019 sản xuất 40.000m3), Nhà máy sản xuất cơ khí tại CCN Phú Vinh, Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, Nhà máy nước của Tập đoàn Hoành Sơn… đã góp phần tăng năng lực sản xuất, cải thiện chỉ số tăng trưởng của toàn ngành.
2. Kinh doanh thương mại
- Thị trường hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, doanh thu bán lẻ tăng trưởng tích cực. Hạ tầng thương mại không ngừng phát triển, hệ thống chợ từng bước được đầu tư bài bản, các loại hình thương mại như siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện ích từng bước hình thành phát triển trên địa bàn nông thôn gắn với thực hiện tiêu chí nông thôn mới; hình thành chuỗi cửa hàng Vinmart+ tại thành phố Hà Tĩnh và Thạch Hà, … Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 47.533,73 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2018.
- Giá trị xuất khẩu năm 2019 ước đạt 850 triệu USD, đạt 77,2% kế hoạch, tăng 7,05% so với cùng kỳ. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh gồm các mặt hàng truyền thống (chè, thủy sản, may mặc, sợi) được duy trì ổn định, riêng thép xuất khẩu trên 648 triệu USD, chiếm tỷ trọng 76,2% tổng kim ngạch; các sản phẩm phụ từ Formosa chiếm tỷ trọng trên 9%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu ASEAN (tỷ trọng 72,8%); Trung Quốc (tỷ trọng 7,1%), Ấn Độ (tỷ trọng 0,8%), Trung Đông.
Một số doanh nghiệp của tỉnh đã có sản phẩm xuất khẩu mới như bao bì (công ty Sông Lam Xanh), gạo; tuy nhiên giá trị nhỏ. Xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra, nguyên nhân do tác động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực, xuất khẩu sản phẩm chủ lực gặp khó khăn, cuối quý III và quý IV giảm so với những tháng đầu năm.
Nhập khẩu ước đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,36% so với năm 2018; chủ yếu nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất nhà máy thép FHS.
II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Tập trung triển khai Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, bộ, ngành; Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội năm 2019, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ tại Chương trình phát triển KTXH năm 2019 của UBND tỉnh và 113 đầu việc trọng tâm của Ngành, kết quả cụ thể các lĩnh vực như sau:
1. Quản lý công nghiệp
- Tham mưu UBND tỉnh: ban hành Quyết định số 3737/QĐ-UBND ngày 20/11/2019 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND về một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 3737/QĐ-UBND.
- Tham mưu tổ chức Hội thảo kết nối các doanh nghiệp cung cấp nguyên, vật liệu cho công nghiệp sản xuất gang thép tại Khu kinh tếVũng Áng. Tại Hội thảo có 3 dự án ký kết đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng; đến nay có 02 dự án[1] đã tiến hành thủ tục đầu tư và được chấp thuận chủ trương đầu tư tại KKT Vũng Áng với tổng mức đầu tư 365,14 tỷ đồng; ngoài ra, sau hội thảo một số nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tìm hiểu đầu tư như dự án thép không gỉ, dự án về khí thiên nhiên.
- Chủ trì và phối hợp tham mưu UBND tỉnh: Thành lập CCN Cổng Khánh 2; quy hoạch chi tiết KCN đa ngành tại KKT Vũng Áng; quy hoạch chi tiết 02 CCN[2]; điều chỉnh quy hoạch chi tiết 04 CCN[3]; thu hút 15 dự án/cơ sở sản xuất vào CCN, trong đó UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 03 dự án, 13 cơ sở do chủ đầu tư hạ tầng quyết định đầu tư, nâng tổng số dự án hoạt động tại các CNN lên 179 dự án. Đến nay toàn tỉnh thành lập 23 CCN với tổng diện tích 603ha, trong đó có 07 CCN được giao cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng[4], 02 CCN do BQL cụm công nghiệp quản lý, 14 CCN do UBND cấp huyện quản lý.
- Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật công trình Xưởng tách nước dầu cốc khô thuộc Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Chỉ đạo triển khai Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại 06 đơn vị hoạt động VLNCN và 07 đơn vị hoạt động hóa chất; Cấp 04 giấy phép sử dụng VLNCN, 02 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất.
- Tổ chức làm việc: với UBND huyện Hương Sơn, Lộc Hà về phát triển CN, TTCN và làng nghề; với Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường trong một số lĩnh vực của ngành; Làm việc với Đoàn công tác Hiệp hội môi trường Việt Nam về phát triển công nghiệp môi trường.
- Thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của Chi nhánh Công ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng tại Hà Tĩnh. Tham gia 07 buổi diễn tập phương án PCCC-CHCN, tiếp nhận, xem xét biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của 04 đơn vị.
- Tổ chức 01 khóa đào tạo về chính sách công nghiệp hỗ trợ; 02 lớp tập huấn kiến thức về công nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, CCN; 01 lớp phổ biến Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và VLNCN; 02 lớp huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN; hóa chất.
2. Quản lý năng lượng
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035. Tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực đối với 07 dự án điện mặt trời, 01 dự án thủy điện (Ngàn Trươi), 01 dự án điện gió; trong đó 03 dự án điện mặt trời đã được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch với tổng công suất 108MWp[5]; 04 dự án UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương với tổng công suất 799MWp[6]; 4 dự án UBND tỉnh đã đồng ý nguyên tắc cho phép nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát với tổng công suất 175MWp[7]; nhiều dự án khác đang nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ dự án.
- Hướng dẫn khảo sát: Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng công nghệ đốt rác và sản xuất điện năng (01 nhà máy dự kiến đặt tại TX Hồng Lĩnh hoặc Cẩm Xuyên với công suất dự kiến 10MW-12MW); dự án điện gió tại xã Xuân Hội - Nghi Xuân.
- Tham mưu đánh giá thực trạng, đề xuất phát triển nguồn và lưới điện 110kV trên địa bàn, gồm: điều chỉnh tiến độ quy hoạch xây dựng mới TBA 110kV Hà Tĩnh; điều chỉnh Trạm 110kV Thạch Linh; thay dây dẫn các tuyến đường dây 110kV Hưng Đông - Can Lộc - Linh Cảm, đường dây Hà Tĩnh - Vũng Áng. Tham mưu thỏa thuận và điều chỉnh hướng tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch - Vũng Áng, trạm biến áp và đường dây 220kV Vũng Áng; xử lý vướng mắc liên quan đến đấu nối dự án NMĐ mặt trời Sơn Quang và ĐZ 110kV Hương Sơn - Linh Cảm…
- Trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án phân loại khách hàng sử dụng điện năm 2019; bổ sung thêm các phụ tải lớn vào danh sách ưu tiêu loại 01 và các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp vào phụ tải ưu tiên loại 02. Chỉ đạo, kiểm tra quá trình đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, vận hành công trình lưới điện và thực hiện phương án cung cấp điện trên địa bàn. Năm 2019, quá trình cung ứng điện trên địa bàn an toàn, ổn định cơ bản phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện đều đảm bảo chỉ tiêu đề ra của ngành điện.
- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; tổ chức Chiến dịch Giờ trái đất 2019; Rà soát 14 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hướng dẫn thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành công nghiệp trọng điểm năm 2018[8].
- Tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng chính phủ phương án bàn giao 43 công trình điện (đợt 1) và 53 công trình điện (đợt 2) sang cho Ngành điện quản lý.
- Kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư các công trình thủy điện Hương Sơn, Hố Hô thực hiện các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện; trình UBND tỉnh phê duyệt Bản đồ ngập lụt vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô; hướng dẫn, đôn đốc kiểm định an toàn đập, phương án phòng chống thiên tai; các chủ đầu tư công trình thủy điện đang lập bản đồ ngập lụt, quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa…
- Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán 73 công trình điện. Kiểm tra công tác quản lý, chất lượng công trình và tổ chức kiểm tra điều kiện nghiệm thu 22 công trình xây dựng chuyên ngành theo phân cấp.
- Chỉ đạo xử lý dứt điểm các điểm vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện cao áp tồn tại từ lâu tại các huyện Can Lộc, Kỳ Anh, Lộc Hà, TX Kỳ Anh, đường dây 35kV Cẩm Nhượng - Cẩm Thịnh, đường dây 35kV xã Thượng Lộc, thị trấn Nghèn - Can Lộc, đường dây 35kV phường Kỳ Phương - TX Kỳ Anh, 10kV chợ Tân Lộc…
3. Quản lý Thương mại
- Triển khai giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Chỉ đạo tổ chức 05 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhân dân địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán 2019.
- Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành: quy định về quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2025. Trình UBND tỉnh Kế hoạch tổ chức Phiên chợ đêm, tuyến phố đi bộ gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2019-2020 và những năm tiếp theo.
- Đề xuất Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP theo quy định tại Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 của Bộ Công Thương về việc ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020.
- Xây dựng bộ tài liệu về cẩm nang quản lý và phát triển chợ; đôn đốc công tác chuyển đổi mô hình quản lý và xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ. Năm 2019, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý 01 chợ, nâng tổng số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý lên 119 chợ/127 chợ, đạt 94% so với kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh tổng số chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý là 138/168 chợ (chiếm 82%). Trong năm có 03 chợ xây dựng mới hoàn thành và đưa vào hoạt động[9]; 10 chợ nâng cấp, cải tạo đáp ứng tiêu chuẩn chợ 9211:2012.
- Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm tại 05 chợ với tổng kinh phí 200 triệu đồng; phối hợp với Sở Tài Chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ chính sách thương mại nông thôn 2019 với tổng kinh phí 3.856,3 triệu ( gồm 4 chợ, 3 siêu thị và 16 cửa hàng tiện lợi).
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh sách thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Phối hợp tổ chức hậu kiểm đối với kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Kiểm tra cấp trên 950 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
- Thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Ngành công thương; qua kiểm tra tại 81 cơ sở, đã phát hiện và xử lý phạt hành chính 01 cơ sở vi phạm.
- Cấp 03 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 22 giấy xác nhận kiến thức ATTP; Cấp mới và cấp sửa đổi bổ sung cho 130 bộ hồ sơ đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; xử lý 11 bộ hồ sơ về kinh doanh khí. Xác nhận: đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho 11 doanh nghiệp; đăng ký thực hiện khuyến mại 44 chương trình; tiếp nhận 4.714 thông báo khuyến mại...
- Tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Phối hợp với UBMT tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức thành công Hội thi rung chuông vàng “Thanh niên Hà Tĩnh đồng hành cùng hàng Việt Nam”; phối hợp với Công ty TNHH Vincom Retail Miền Bắc - Ban quản lý TTTM Vincom Plaza Hà Tĩnh tổ chức thí điểm Phiên chợ đêm cuối tuần tại Quảng trường TTTM Vincom Plaza Hà Tĩnh, với quy mô khoảng 70 gian hàng
4. Hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương năm 2019, kết quả:
+ Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2019, có 32/79 sản phẩm được công nhận và tôn vinh; tham gia bình chọn và có 03/08 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia.
+ Nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2019 đã hỗ trợ đợt 1 cho 03 dự án với tổng kinh phí 690 triệu đồng; đợt 2 dự kiến 02 dự án với tổng kinh phí 700 triệu đồng.
- Thực hiện đề án hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia hạng mục đầu tư hạ tầng CCN Yên Huy với tổng kinh phí 6 tỷ đồng.
- Tổ chức Lễ hội cam và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh lần thứ 3 năm 2019, từ ngày 21-23/12/2019 với sự tham gia hơn 90 gian hàng từ các địa phương. Tổ chức Hội Chợ xuân tại thành phố Hà Tĩnh 2019; Hội chợ xuân Kỷ Hợi. Tham gia: 10 Hội chợ trong nước và các Hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Nội và Hà Nam.
- Tổ chức trưng bày sản phẩm của tỉnh tại các sự kiện quan trọng: Hội thảo kết nối các doanh nghiệp đầu tư, cung cấp, sử dụng nguyên, vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép; Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM; Hội nghị phát triển kinh tế Miền Trung...
- Đưa vào vận hành và khai thác website thương mại điện tử xúc tiến thương mại, bán hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại địa chỉ: http://dacsan.hatinh.vn. Xây dựng sàn giao dịch sản phẩm nông sản, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; hỗ trợ 05 doanh nghiệp xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến; xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
6. Hoạt động thanh tra, kiểm tra
- Tổ chức 05 đợt thanh tra chuyên ngành; 01 đợt kiểm tra hành chính và 08 đợt kiểm tra định kỳ trên các lĩnh vực kinh doanh điện, xăng dầu, dầu khí dầu mỏ hóa lỏng, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất kinh doanh rượu, thuốc lá v.v… Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 06 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 58 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
- Phối hợp Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra liên ngành dự án khu dân cư Phú Nhân Nghĩa. Phối hợp với các sở ngành, UBND huyện và các đơn vị liên quan xử lý 05 đơn thư liên quan đến lĩnh vực hoạt động điện lực[10]; tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh.
- Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Sở; tổ chức phố biến gần 100 văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
[1]Kho hóa chất cơ bản tại Khu Kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Lợi) của Công ty CP hóa chất Miền Trung; Hệ thống cung cấp khi LPG, LNG cho KCN Phú Vinh của Công ty TNHH PCG Phú Vinh.
[2] CCN Cổng Khánh 1, CCN Cổng Khánh 2.
[3] CCN Thái Yên, CCN Xuân Lĩnh, CCN Nam Hồng, CCN Bắc Cẩm Xuyên.
[4] Thái Yên, Yên Huy, Kỳ Hưng, Sơn Lễ, Cổng Khánh 1, Cổng Khánh 2, Xuân Lĩnh
[5] Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa công suất 50MWp, Cẩm Hưng công suất 29MWp, Sơn Quang công suất 29MWp.
[6] Nhà máy điện mặt trời Cẩm Lạc công suất 100MWp, Nhà máy điện mặt trời hồ Rào Trổ công suất 400MWp, Nhà máy điện mặt trời Hồng Lộc 49MWp, Nhà máy ĐMT Kỳ Sơn công suất 250MWp, Trang trại Phong điện HBRE Hà Tĩnh công suất 120MWp.
[7] 02 dự án nhà máy DMT ECO SUN công suất 100MWp, Nhà máy ĐMT Ngọc Sơn công suất 30MWp, Nhà máy ĐMT Hương Sơn công suất 45MWp.
[8] năm 2018 có 14 cơ sở thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tăng 07 cơ sở so với năm 2017.
[9] chợ Bình Hương xã Thạch Trung, chợ thị trấn Thạch Hà, chợ Mai Phụ Lộc Hà.
[10] 01 đơn thư khiếu nại về giá bán điện của các hộ dân trú tại thôn Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn; 04 đơn thư nặc danh phản ánh, khiếu nại Công ty Điện Hà Tĩnh và các đơn vị trực thuộc của Công ty điện lực.
Hoàng Văn Quảng