HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Sáng ngày 2 tháng 7 năm 2021, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo các Sở: Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Đại diện lãnh đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh, UBND huyện Đức Thọ và đại diện một số chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn cùng dự.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 968 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 30.912 ha đã được thành lập. Trong đó, có 450 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (chiếm 46,5%), các CCN còn lại do trung tâm phát triển CCN, ban quản lý CCN cấp huyện, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư. Riêng tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có 23 CCN với tổng diện tịch 615,46ha, trong đó 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 13 CCN do UBND cấp huyện quản lý; đến nay đã thu hút được 312 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có gần 200 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh với giá trị sản xuất hàng năm đạt 4.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động.
Tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như việc chấp hành một số nội dung, quy định ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm; nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp…; đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý, phát triển CCN như cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng xử lý chất thải từ ngân sách trung ương; điều chỉnh quy mô CCN phù hợp với từng địa phương; xem xét thẩm quyền chuyển đổi đất lúa và đất rừng khi thành lập, mở rộng CCN; đơn giản hóa thủ tục trong các quyết định liên quan CCN; quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành Công Thương địa phương trong phát triển công nghiệp, thương mại, trong đó có vai trò quản lý nhà nước đối với CCN…
Kết luận hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Nhà nước, nhất là những cơ chế hiện hành; đồng thời, chấn chỉnh quản lý theo hướng rõ chủ thể, rõ trách nhiệm đối với các CCN; thống nhất việc chấm dứt thu hút đầu tư ngoài khu công nghiệp, CCN; đổi mới công tác quản lý, khẩn trương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển CCN trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương; tập trung xây dựng và ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách đủ mạnh và đồng bộ, bảo đảm ổn định để có thể thu hút các nhà đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng, hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền và tăng hậu kiểm; tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong các CCN, trước hết thông qua Sở Công Thương địa phương và sở ngành, chức năng.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh tiếp tục thu hút đầu tư vào 13 CCN do UBND cấp huyện quản lý, đồng thời tham mưu nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hạ tầng của những CCN này, nhất là hệ thống xử lý nước thải, các yêu cầu về môi trường theo quy định; đối với 10 CCN đã giao doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thì cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai đầu tư hạ tầng đúng tiến độ quy định; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thu hút các dự án đầu tư thứ cấp theo đúng quy định, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với các CCN này. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các nội dung liên quan đến công tác quản lý, phát triển CCN trên địa bàn, nhất là hoàn thiện Phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Đức Hà