LOGISTICS và thuận lợi thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dịch vụ logistics.Kinh tế Hà Tĩnh đang trên đà phát triển; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hà Tĩnh nằm trong các tỉnh đứng vào tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng trưởng đột phá, ước đạt 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2017.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động vận tải quốc tế và liên vùng trong nước cả về đường biển, đường bộ, đường sắt và hàng không. Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương được xác định là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực - loại I trong hệ thống cảng biển quốc gia. Theo quy hoạch được duyệt và đang triển khai thực hiện, tại đây có trên 50 cầu bến các loại, có thể tiếp nhận được tàu chở hàng rời (than, quặng), hàng lỏng trọng tải đến 30 vạn DWT và tàu chở hàng tổng hợp container trọng tải 5 ÷ 7 vạn DWT sức chở 4000 TEU; là một cửa ngõ quan trọng làm hàng tiếp chuyển cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.
TP. Hà Tĩnh cách sân bay Vinh 50km với chưa đầy 1 giờ chạy xe, cách sân bay Đồng Hới 141km với khoảng 2 giờ chạy xe. Đường sắt Bắc Nam chạy qua địa bàn Hà Tĩnh dài khoảng 71km với 8 ga; Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh là các tuyến dọc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh; Quốc lộ 8 nối với cửa khẩu Cầu Treo, Quốc lộ 12C nối với cửa khẩu Cha Lo là các tuyến ngang chính giao thương với Lào trên địa bàn tỉnh. Theo quy hoạch được duyệt, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ được bổ sung thêm tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt xuyên Á từ Vũng Áng qua Mụ Giạ sang Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Hà Tĩnh có khu kinh tế Vũng Áng là một trong năm khu kinh tế trọng điểm ven biển được lựa chọn tập trung đầu tư với những dự án quy mô lớn mang tầm quốc gia; khu vực như khu Liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của tập đoàn Formosa; nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, Vũng Áng II. Không xa nữa, nơi đây sẽ là một trung tâm công nghiệp nặng quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Hà Tĩnh có khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo là một trong các cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam với vị trí thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan. Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã thống nhất chủ trương thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới theo mô hình “Hai quốc gia một chính sách” nhằm đa dạng hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào và các nước trong khối ASEAN.
Để thúc đẩy kinh tế, tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh thì việc phát triển ngành dịch vụ logistics là hết sức cần thiết. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung nhằm phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại, cụ thể như sau:
UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều Văn bản nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, cụ thể: Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 12/01/2015 về việc phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ Logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và Dự toán lập Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 26/2/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỷ lệ 1/500. Đến nay, Quy hoạch phát triển tổng thể dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 đang hoàn thiện và sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh; Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỷ lệ 1/500 với quy mô 106,9ha, 07 phân khu chức năng đang hoàn thiện và sẽ phê duyệt trong thời gian tới.
Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải, kho bãi hàng hóa, hoạt động khá hiệu quả, như: Công ty CP xây lắp thương mại dịch vụ du lịch Thương Phú, Công ty TNHH thương mại vận tải Bình Nguyên, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải, kho tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Bình Hà… và hàng trăm kho hàng hóa thương mại được phân phối tương đối đồng đều trên địa bàn tỉnh. Không những vậy, tỉnh đã chủ động kêu gọi một số công ty, tập đoàn lớn vào tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dịch vụ logistics như: Tổng công ty CP bưu chính Viettel - Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel; Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn tìm hiểu, đầu tư các dự án logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng. Hiện nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án lớn có hoạt động liên quan đến logistics, bao gồm: các dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kho bãi và lưu kho hàng, dịch vụ vận tải…
Công tác cải cách hành chính được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trung tâm hành chính công tỉnh được thành lập và hoạt động từ năm 2017 đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Sở Công Thương Hà Tĩnh phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương thành lập Phòng Xuất nhập khẩu khu vực Hà Tĩnh trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương hoạt động hiệu quả từ tháng 02/2015 đến nay, đã tạo điều kiện thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận thực hiện tốt hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa hành chính, vận hành chính thức Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cho phép các doanh nghệp, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ điện tử và theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ. Bắt đầu từ tháng 3/2017, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh vận hành chính thức Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; duy trì vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT phục vụ thực hiện quy trình thủ tuc hải quan, thu nộp thuế bằng phương thức điện tử 24/7 tại tất cả các đơn vị; áp dụng cơ chế một cửa Quốc gia các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như vậy song hiện tại ngành dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; chi phí dịch vụ cao; hoạt động thương mại, bán buôn bán lẻ chủ yếu hình thành tự phát, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ít, quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, kinh doanh dịch vụ logistics là một lĩnh vực khá mới, do đó, một số địa phương trong tỉnh có lợi thế về phát triển dịch vụ logistics chưa cập nhật kịp thời các thông tin, quy định pháp luật liên quan về kinh doanh dịch vụ logistics để giới thiệu, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng logistics. Đầu tư xây dựng kinh doanh dịch vụ logistics đòi hỏi vốn đầu tư lớn; hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ tham gia được một vài công đoạn nhỏ trong kinh doanh dịch vụ logistics. Quy hoạch hạ tầng thương mại, hệ thống bán buôn bán lẻ đã được ban hành nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn. Dịch vụ ủy thác giao nhận, thanh toán quốc tế chuyên nghiệp tại các cảng, cửa khẩu hạn chế; chưa có doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp hoạt động nhận ủy thác giao nhận hàng hóa hoặc thanh toán tiền hàng. Các loại hình kho chứa, kho vận ngoại thương đạt tiêu chuẩn chưa hình thành tại các cảng, cửa khẩu, các cổng kiểm soát giữa nội địa và các khu kinh tế. Công nghệ, kinh nghiệp vận hành trung tâm logistics lớn còn hạn chế.
Để thúc đẩy kinh tế, tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh thì việc phát triển ngành dịch vụ logistics là hết sức cần thiết. Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, phê duyệt và triển khai quy hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics Vũng Áng; tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết các trung tâm logistics trên địa bàn làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư lĩnh vực dịch vụ logistics.
Thứ hai, tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính; tạo thuận lợi thương mại thông qua việc đơn giản hóa các quy định hải quan và quản lý chuyên ngành; đồng thời, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại. Tăng cường thu hút doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nước ngoài tham gia vào lĩnh vực logistics.
Thứ ba, huy động mọi nguồn lực hoàn thiện và đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin liên lạc… đảm bảo kết nối thuận lợi giữa khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu với các đầu mối phân phối đến người tiêu dùng nội địa và xuất, nhập khẩu; đáp ứng yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ logistics.
Thứ tư, Quy hoạch phân bố không gian cho hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn; đặc biệt nghiên cứu hình thành các trung tâm logistics tập trung quy mô cấp vùng, phục vụ không chỉ trong phạm vi tỉnh Hà Tĩnh, khu vực Miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và phục vụ các hoạt động giao thương quốc tế. Đảm bảo quản lý quỹ đất xây dựng theo đúng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics được duyệt.
Tin tưởng rằng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên, trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ sớm đạt mục tiêu đưa logistics trở thành dịch vụ chủ lực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh đóng góp vào tăng trưởng GDP và hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đặc biệt góp phần thúc đẩy thương mại với Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khối ASEAN.