Ngành Công Thương Hà Tĩnh thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Những năm gần đây kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương trên các mặt của công tác quản lý nhà nước:
Trước hết, ngành luôn xác định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm: Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 16/04/2018 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh; công bố công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các cơ chế, chính sách, các văn bản quản lý nhà nước liên quan đến ngành để kinh tế tư nhân tiếp cận; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các thủ tục hành chính liên quan của ngành, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, đảm bảo thực hiện sớm hơn thời gian quy định; cử cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực làm việc tại Trung tâm hành chính công của tỉnh; hướng dẫn hồ sơ, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; ứng dụng phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian thủ tục tiếp cận điện năng: Triển khai thực hiện một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng theo Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công Thương, đã triển khai các nội dung liên quan như không thực hiện việc xác nhận sự phù hợp quy hoạch phát triển điện lực đối với công trình trạm biến áp trung áp có tổng dung lượng nhỏ hơn 2.000kVA, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực điện năng như huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện, Cấp giấy phép hoạt động điện lực, huấn luyện cấp thẻ kiểm tra viên điện lực, thẩm định dự án hoặc thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế và dự toán xây dựng công trình lưới điện thuộc nhóm B, C. Chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh triển khai thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, tổng thời gian thực hiện các thủ tục đối với Công ty Điện lực Hà Tĩnh không quá 07 ngày làm việc bao gồm tiếp nhận yêu cầu, khảo sát hiện trường, thỏa thuận đấu nối (không quá 02 ngày làm việc); ký hợp đồng mua bán điện, nghiệm thu và đóng điện (không quá 05 ngày làm việc).
Thứ hai,kịp thời tham mưu ban hành, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quyết sách lớn của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh: Tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TY về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 16/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về cụm công nghiệp; Quy chế quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp; tham mưu triển khai Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND tỉnh của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn,và xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh năm 2017-2018...
Thứ ba,tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi: Triển khai đồng bộ Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ về sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; triển khai Luật Quy hoạch, phối hợp Đơn vị tư vấn BCG để đưa các Quy hoạch ngành tích hợp chung vào Quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, tránh sự chồng chéo giữa các quy hoạch.
Thứ tư,phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường: Tham mưu UBND tỉnh xây dựng giá dịch vụ cho thuê điểm kinh doanh, dịch vụ trông giữ phương tiện tại các chợ thay vì phí như trước đây; hướng dẫn đăng ký giá, công khai giá đối với giá một số mặt hàng theo quy định của Luật Giá đối với ngành Công Thương; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến công, chính sách phát triển cụm công nghiệp, chính sách xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân, DNNN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình, kết cấu hạ tầng lĩnh vực ngành như: chợ, siêu thị, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...; thực hiện bình đẳng trong tiếp cận yếu tố đầu vào của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại; xác định định hướng, chiến lược phát triển ngành trên cơ sở nhu cầu của thị trường và tuân theo các quy luật tất yếu thị trường. Khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao sản xuất, quản lý nhằm nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; phát triển thị trường, đa dạng hàng hóa, dịch vụ và các loại hình kinh doanh thương mại; hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý chợ và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần, loại hình kinh tế. Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, khai thác tốt thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu; ứng dụng thương mại điện tử và các phương thức thanh toán hiện đại, triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh.
Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng: Xây dựng bản đồ trực tuyến số hóa dữ liệu ngành Công Thương Hà Tĩnh, công khai minh bạch các thông tin về hiện trạng, quy hoạch mạng lưới phân phối như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…; hiện trạng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp… trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phổ biến, tuyên truyền, cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Cập nhật, cung cấp thông tin thị trường trên phần mềm quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của tỉnh.
Thứ năm,nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế: Công tác quản lý thị trường được quan tâm, rà soát, chấn chỉnh kịp thời, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Tham gia kiểm tra các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý: Điều chỉnh dự án đầu tư; thiết kế cơ sở các hạng mục bảo vệ môi trường cải thiện và bổ sung; hỗ trợ đầu tư, xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, tham gia hướng dẫn, khảo sát, giới thiệu địa điểm để các nhà đầu tư xem xét, lựa chọn đầu tư các công trình dự án lĩnh vực năng lượng; chỉ đạo ngành điện nâng cấp, cải tạo hệ thống điện, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ, bồi thường cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; tổ chức Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017 với 86 gian hàng; tổ chức 01 hội nghị giao thương và kết nối cung cầu sản phẩm trong tỉnh năm 2017 tạo điều kiện cho 12 cặp doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác thời gian tới; hỗ trợ doanh nhân trong tỉnh tìm kiếm bạn hàng, đối tác và cơ hội kinh doanh; hỗ trợ doanh nhân trong và ngoài tỉnh kinh doanh trên địa bàn; Phối hợp với Phòng Hỗ trợ xuất khẩu - Cục xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng tại Hà Nội kết nối các sản phẩm như nông sản Thắm An, súc sản của Công ty chế biến Thực phẩm Mitraco đến khách hàng tiềm năng tại các chương trình Hội chợ - triển lãm lớn và uy tín trong nước; hỗ trợ 08 doanh nghiệp tham gia ký kết các biên bản ghi nhớ với các đối tác tại các hội nghị, hội thảo ngoài tỉnh; phối hợp với đoàn doanh nghiệp của tỉnh Sakon Nakhon - Thái Lan đến tham quan tại một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và trao đổi mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong tỉnh; triển khai các hoạt động ngày doanh nhân Việt Nam,…
Với sự quan tâm của ngành Công Thương đối với phát triển kinh tế tư nhân, hy vọng trong thời gian sắp tới, kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục duy trì tốc độ cao, bền vững, trong đó đóng góp không nhỏ của thành phần kinh tế này.
Nguyễn Thị Cẩm Thạch