Phối hợp triển khai hoạt động đối ngoại trong xu thế hội nhập
Công tác đối ngoại có đóng góp khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh. Hiểu được tầm quan trọng này, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã tích cực chủ động phối hợp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu:
Về công tác tuyên truyền nâng cao năng Hội nhập quốc tế:
Năm 2018, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thị xã tổ chức 02 hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết của Việt Nam với WTO, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, 01 hội nghị phổ biến văn bản quy định về hoạt động thương mại biên giới, cửa khẩu biên giới, 01 cuộc tập huấn về thương mại điện tử, 02 cuộc tập huấn văn minh thương mại và văn hóa ứng xử kinh doanh, tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho gần 1.400 học viên là các cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đoàn viên thanh niên… tại các huyện Thạch Hà, Hương Sơn, Nghi Xuân và thành phố Hà Tĩnh.
Về hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập hoạt động xuất nhập khẩu: Sở Công Thương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đề án phát triển xuất khẩu tỉnh đã phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 07/5/2013 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh thời kỳ 2013 - 2020, định hướng 2030: Tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ nước ngoài; Tổ chức việc rà soát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá đúng năng lực, tiềm năng các đơn vị, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê hoạt động xuất nhập khẩu; Tiến hành cấp giấy chứngnhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo ủy quyền của Bộ Công Thương (Năm 2018 đã tiến hành cấp trên 700 bộ C/O); Xây dựng và hoàn thiện catalogue về doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu của Hà Tĩnh để giới thiệu tại các Hội chợ triển lãm; tham mưu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong xuất khẩu. Hỗ trợ tuyên truyền để các Doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận được các ưu đãi, tận dụng được các cơ hội của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Nhờ vậy hoạt động xuất khẩu tăng đáng kể, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2018 ước đạt 3,25 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2017, đạt cao nhất từ trước đến nay.
Về hợp tác với các nước: Trong năm qua Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ban, ngành chấp thuận các dự án nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, điển hình như Nhà máy may HAIVINA Hồng Lĩnh của Công ty TNHH HAIVINA - Hàn Quốc, công suất 12 triệu SP/năm, tổng số vốn đăng ký 15 triệu USD (khoảng 337,5 tỷ đồng), sử dụng khoảng 4.000-5.000 lao động; 02 dự án Nhà máy điện mặt trời của Công ty GA. Power LTE. LDT – Cộng hòa LB Đức, tổng công suất 58 MW, tổng vốn đầu tư 46,6 triệu USD (khoảng 1.048 tỷ đồng), tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Tham gia 8 hội chợ trong nước, 02 hội chợ ngoài nước; 01 triển lãm hàng hóa tại hội tổng kết toàn quốc về nông nghiệp nông thôn nông dân; tổ chức trên 20 chuyến hàng việt về nông thôn.
Về tăng cường công tác biên giới: Đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái… tại khu vực biên giới giữa các tỉnh của Lào và Hà Tĩnh. Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chuẩn bị tài liệu, báo cáo làm việc với đoàn công tác Vụ Xuất nhâp khẩu, Bộ Công Thương Lào tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nhằm đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Thỏa thuận Hà Nội 2017 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, hàng hóa và phương tiện qua lại hai bên biên giới tại một số cửa khẩu của các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào. Tham gia Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XI tại Quảng Bình cùng đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực như vậy, công tác phối hợp trong triển khai hoạt động đối ngoại còn gặp một số hạn chế:
- Cán bộ phụ trách công tác đối ngoại tại sở, ban, ngành, địa phương (ngoài Sở Ngoại vụ) chưa có đầy đủ kĩ năng làm việc với đơn vị nước ngoài nên chất lượng tham mưu chưa đạt hiệu quả cao
- Một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng công tác đối ngoại gây khó khăn trong công tác phối hợp triển khai hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực, địa phương phụ trách, quản lý.
- Kinh phí để tổ chức các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại còn rất khó khăn; chủ yếu làm vài ba hội chợ trong vùng, trong tỉnh; chưa có các hội nghị, cuộc giao thương, xúc tiến có quy mô.
Từ những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế nêu trên, để công tác phối hợp trong triển khai hoạt động đối ngoại, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị đối với UBND tỉnh Hà Tĩnh:
- Chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực, chủ động kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn những dự án có tính động lực, nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt thu hút đầu tư phát triển hệ thống thương mại biên giới, cửa khẩu. Tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến đầu tư tiềm năng thế mạnh của tỉnh với các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực trong và ngoài nước.
- Cần quan tâm bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại có quy mô tầm quốc tế để quảng bá; giới thiệu sản phẩm, tiềm năng của tỉnh. Tăng cường các giải pháp quảng bá hình ảnh của tỉnh tại các cửa khẩu, sân bay và trên hệ thống thương mại điện tử.
Nguyễn Đình Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh