SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP - động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh
Năm 2018, GRDP của tỉnh tăng 20,8%, quy mô nền kinh tế được nâng lên theo hướng bền vững, dự kiến đạt 65 nghìn tỷ đồng, trong đó sản xuất công nghiệp là động lực chính trong bức tranh tăng trưởng kinh tế, GRDP khu vực này tăng 75,8%, đóng góp 17,5 điểm % vào mức tăng chung 20,8%. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng nhanh, từ 13,27% năm 2015 lên 35,17% năm 2018. Tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến tích cực, không còn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư như giai đoạn 2011-2015 mà động lực chính, quan trọng là từ sản xuất sản xuất công nghiệp.
Từ những số liệu trên, khẳng định sự đúng đắn trong quan niệm ông cha ta thời xa xưa “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt” - sự giàu có thịnh vượng bắt nguồn từ sản xuất của cải vật chất, từ sản xuất công nghiệp. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhiều sản phẩm công nghiệp mới, chủ lực đạt sản lượng lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2017-2018 liên tục tăng cao nhất từ trước tới nay, năm 2017 tăng 89,2% so với năm 2016 và năm 2018 tăng 86,6% so với năm 2017. Quy mô ngành Công nghiệp năm 2018 đạt trên 44.700 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015, vượt một số tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Sản xuất thép tại FHS
Nhiều dự án công nghiệp lớn, trọng điểm tầm khu vực, quốc gia hoàn thành và đi vào sản xuất. Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh vốn đầu tư trên 11 tỷ USD được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất đồng bộ cả 2 lò cao từ tháng 6/2018 sau 10 năm triển khai đầu tư xây dựng, trở thành đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung cả nước; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 hoạt động ổn định cả 2 tổ máy, phát huy tối đa công suất. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016-2018 vượt sản lượng của cả giai đoạn 2011-2015 (bia 175 triệu lít, tăng 25,57%, sợi 13.877 tấn, tăng 63%, điện sản xuất 15 tỷ kwh, tăng 2,9 lần); sản xuất thép cho sản phẩm từ tháng 6/2017-2018 đạt gần 6 triệu tấn, riêng năm 2018 ước đạt 4,2 triệu tấn.
Ngoài tập trung phát triển tại 02 khu kinh tế, 03 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tỉnh đã chú trọng tới công nghiệp nông thôn, thành lập 22 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 571 ha; trong đó 17 CCN đã thu hút 139 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đầu tư là 4.958 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt 59%; giải quyết việc làm cho hơn 3.300 lao động, giá trị SXCN tại các CCN đạt trên 3.500 tỷ đồng/năm. Nhiều dự án có quy mô lớn như: dự án sản xuất Gỗ MDF, HDF của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tại CCN Vũ Quang đang phấn đấu đưa vào vận hành chạy thử vào cuối năm nay 2018 với công suất 120.000 m3/năm, gỗ ván thanh 2.400 m3/năm, có tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng, sẽ tạo động lực cho việc đảm bảo liên kết trong trồng và chế biến gỗ nguyên liệu.
Ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Tất Thắng – PCT UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cắt băng khánh thành dự án đầu tư hạ tầng CCN Thái Yên
Với định hướng tăng cường xã hội hóa đầu tư CCN, đến nay toàn tỉnh có 05 CCN đã giao cho doanh nghiệp đầu tư. Tiêu biểu, Công ty CP Đầu tư IDI đầu tư CCN Thái Yên (15,73ha) với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng; giai đoạn 1 (11,33ha) với tổng kinh phí đã đầu tư đạt trên 100 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu, thực hiện đầu tư vào các cụm CN trong thời gian tới.
Xác định tầm quan trọng của phát triển Ngành công nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh nhà, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và những năm tiếp theo; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 quy định một số Chính sách phát triển CN-TTCN tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh banh hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 02 dự án nhà máy điện mặt trời, khảo sát tiềm năng triển khai dự án điện gió, điện sinh khối...
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, tập trung thực hiện chiến lược phát triển sản xuất công nghiệp bền vững, tiếp tục là động lực chính đưa nền kinh tế tỉnh nhà lên tầm mới. Trong đó chú trọng các nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tập trungtổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh, xác định công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng là hạt nhân phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực với cụm ngành chủ lực luyện kim, sản xuất điện năng, công nghiệp hỗ trợ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn với công nghệ mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hai là, tập trung cao chỉ đạo cùng với tăng cường phối hợp với các Bộ, Ngành kiểm soát, giám sát, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với các dự án lớn, phức tạp như Formosa, đảm bảo phát huy năng suất sản xuất nhưng gắn với bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối…)[1]. Xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày) nhằm nâng cao năng lực sản xuất toàn ngành và giải quyết nhiều việc làm. Phát triển công nghiệp nông thôn tập trung tại các Cụm công nghiệp, thu hút các dự án có công nghệ hiện đại. Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng CCN, xúc tiến và tạo mọi điều kiện cho các dự án đầu tư sản xuất vào khu, cụm CN tập trung.
Hoàng Văn Quảng