TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG
Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình cải cách hành chính (CCHC) của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, công tác CCHC tiếp tục được Đảng ủy, Lãnh đạo Sở Công Thương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành. Hàng năm, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác CCHC, Sở Công Thương đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện: Kế hoạch số 110/KH-SCT ngày 08/4/2022 về CCHC ngành Công Thương đến năm 2030; Kế hoạch số 64/KH-SCT ngày 01/3/2022 về việc thực hiện Đề án Chuyển đổi số của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời hàng năm chỉ đạo, xây dựng và triển khai đồng bộ: Kế hoạch thực hiện công tác CCHC; kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC năm trước và đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC trong năm; kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra công tác CCHC; kế hoạch kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; kế hoạch phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng; kế hoạch duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO ISO 9001:2015; Kế hoạch hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Sở Công Thương và nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện khác.
Qua đó, công tác CCHC của Sở Công Thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có nhiều điểm mới mang tính đột phá. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được đổi mới trong quy trình tham mưu văn bản quy phạm pháp luật; quy trình giả quyết hồ sơ, xử lý hồ sơ thực hiện nhanh hơn so với quy định, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia vào hoạt động cấp phép; tổ chức bộ máy ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; chất lượng CBCC,VC ngày càng được nâng cao đáp ứng được với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hoạt động quản lý nhà nước đã mang lại hiệu quả thiết thực; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại Sở đã cải tiến lề lối làm việc và giúp lãnh đạo Sở kiểm soát được quá trình giải quyết công việc. Công tác kiểm soát TTHC kết hợp với ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã làm thay đổi lớn đến hiệu quả giải quyết các TTHC công trong cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi, công khai minh bạch trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ; không có các hiện tượng gây khó khăn, nhũng nhiễu trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Từ năm 2021 đến nay: rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành 10 văn bản QPPL; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và kiến nghị đơn giản hóa 10 TTHC; Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Danh mục và quy trình nội bộ TTHC đối với 52 TTHC; đến nay, có 101 TTHC lĩnh vực công thương, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 32 TTHC và dịch vụ công trực tuyến một phần đối với 69 TTHC; 100% TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tiếp nhận 45.020 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 44.524 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,89%; đã giải quyết đúng hạn 44.994 hồ sơ, 26 hồ sơ đang giải quyết trong hạn, không có hồ sơ xử lý quá hạn. Tuy vậy, việc thực hiện một số nội dung công tác CCHC chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao; chưa xây dựng định được mức kinh tế kỹ thuật danh mục sự nghiệp công, đối với các hoạt động dịch vụ công lập chuyên ngành Công Thương. Việc khai báo, công bố TTHC, dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn khó khăn, bất cập.
Để phát huy các kết quả đạt được thời gian qua, khắc phục các tồn tại hạn chế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Ngành tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, ngành Công Thương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC như sau:
Một là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu của ngành Công Thương trên lĩnh vực CCHC theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Hàng năm, ban hành Kế hoạch CCHC; các văn bản chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả công tác CCHC theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Công Thương. Tăng cường công tác tuyên truyền; đặc biệt, tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện việc nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Hai là, tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra công tác CCHC; thường xuyên tham mưu công bố TTHC, rà soát đơn giản hóa TTHC; rà soát, sửa đổi các TTHC theo quy định của Bộ Công Thương; niêm yết, công khai minh bạch các TTHC và cập nhật kịp thời trên cơ sở dữ liệu quốc gia, Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Ba là, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo bồi dưỡng theo kế hoạch; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ của CBCC, VC tại cơ quan. Công khai, minh mạch trong quản lý và sử dụng tài chính công.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; tập trung xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021-2025, các Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia.
Năm là, thực hiện duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng ISO tại cơ quan Văn phòng Sở. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC hàng năm; thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá về CCHC, từ đó rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại hạn chế.
Xuân Thắng