TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2024”
Thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Quyết định số 32/2019/ QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về ban hành quy định quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Sở Công thương được phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên 6 nhóm mặt hàng gồm: bia; rượu và đồ uống có cồn; nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; bột, tinh bột; bánh mứt kẹo; quản lý an toàn thực phẩm trong chợ, siêu thị, trung tâm TM.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý, trong đó số cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP chiếm 84%; số cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận chỉ chiếm 14%. Theo phân cấp tại Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND, có 346 cơ sở do Sở Công Thương quản lý (chiếm 6,4%) còn lại là do UBND cấp huyện quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Sở Công Thương chủ động, phối hợp tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo ATTP đạt được nhiều kết quả tích cực. Sở đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện; tổ chức các cuộc tập huấn, cuộc thi tìm hiểu trực tuyến, đăng tải xây dựng trên 500 tin, bài tuyên truyền.
Trong năm 2023 và quý I/2024, ngành Công Thương đã triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW; Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 04/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số số 17-CT/TW; Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 08/6/2023 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 871/KH-BCĐ ngày 05/4/2024 của BCĐ LN VSATTP tỉnh triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024.
Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm trong an toàn thực phẩm. Trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực công thương; đã phát hiện và xử lý 348 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 1,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy: 631 triệu đồng. Tiến hành lấy 31 mẫu thực phẩm để gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP, kết quả các mẫu có các chỉ tiêu ATTP nằm trong giới hạn cho phép. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình phân phối đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là xây dựng chợ an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh rất nhiều và thường xuyên biến động (chiếm trên 86%), một số cơ sở hoạt động theo mùa vụ nên việc quản lý, tiếp nhận và duy trì quy định về ATTP hạn chế.
Tổ chức bộ máy, lực lượng quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương còn chưa đáp ứng yêu cầu, cụ thể: Sở Công Thương giao cho Phòng Quản lý thương mại là đầu mối về quản lý ATTP, tuy nhiên biên chế bố trí 1 người, không có đơn vị trực thuộc chuyên trách về ATTP; Phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng cấp huyện, được giao quản lý ATTP nhưng không có bộ phận chuyên trách quản lý; nhiều địa phương chưa bố trí cán bộ làm nhiệm vụ quản lý về ATTP mà chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ và nhân lực cho việc thanh tra, kiểm tra về ATTP.
Hệ thống cơ sở phân phối sản thực phẩm vẫn còn hạn chế, số siêu thị còn ít, chợ nông thôn chủ yếu hoạt động theo phiên. Hoạt động buôn bán hàng rong, các tụ điểm kinh doanh dọc các tuyến phố, lề đường vẫn chưa xử lý triệt để; hoạt động kinh doanh thực phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp.
Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với sản xuất, kinh doanh rượu thủ công còn hạn chế, do số lượng hộ nấu rượu thủ công trong tỉnh nhiều (hơn 2600 hộ), quy mô nhỏ lẻ, việc nấu rượu diễn ra không thường xuyên liên tục, khi rà soát, kiểm tra các hộ thường báo cáo là nấu rượu để phục vụ trong gia đình và nhu cầu chăn nuôi, không kinh doanh, nhưng thực tế thì vẫn bán ra ngoài khá nhiều.
Hưởng ứng tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2024, và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP lĩnh vực công thương, thời gian tới Sở Công Thương xin đề xuất một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật và các biện pháp đảm bảo ATTP; tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ quản lý ATTP cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã và nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, Tập trung rà soát, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương; Tập trung xây dựng mô hình chợ ATTP, cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp theo hướng văn minh, hiện đại, tiện dụng, đồng bộ đảm bảo ATTP. Khuyến khích, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Chỉ đạo xử lý dẹp bỏ các tụ điểm kinh doanh tự phát trên các tuyến phố, đường giao thông không đảm bảo.
Thứ ba, Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP lĩnh vực công thương đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, các chợ, siêu thị...; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thực phẩm đa cấp, thương mại điện tử; quản lý chặt chẽ hoạt động nấu rượu thủ công, xử lý nghiêm các cơ sở nấu rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh nhưng vẫn bán rượu cho người tiêu dùng.
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương







