Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh thông qua Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
File đính kèm:
2022_07_05_nghi-quyet-ve-chi-dao-xnk-logistics-31-5uxoy.pdf
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 29/10/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Hà Tĩnh đã có bước phát triển khá, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 46,5 triệu USD (năm 2007) lên 2,0 tỷ USD (năm 2021), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27,5%/năm, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch tích cực, thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng. Xuất khẩu đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy quá trình hội nhập, tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động.
Tuy vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xuất khẩu chưa quyết liệt; số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu và dịch vụ logistics còn ít; sản phẩm xuất khẩu chưa đa dạng; ngoài sản phẩm thép, giá trị xuất khẩu các mặt hàng khác chiếm tỷ trọng thấp; dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu chưa phát triển; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, hệ thống kho bãi, dịch vụ hỗ trợ còn thiếu và yếu.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chậm phát triển, nguyên nhân chính của những hạn chế trên do một số cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành chưa thực sự quan tâm hoạt động xuất khẩu và dịch vụ logistics; cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn; chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu; huy động nguồn lực xã hội để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu.
Thời gian tới, nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của toàn cầu hóa, thương mại điện tử, chuyển đổi số, sự phát triển của hạ tầng giao thông, cảng biển, các dự án trọng điểm của tỉnh, của quốc gia sẽ tạo ra những thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu và dịch vụ logistics. Tuy vậy, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cạnh tranh thương mại, xung đột giữa các nền kinh tế lớn đang đặt ra không ít khó khăn đối với hoạt động xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics; đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics, tạo động lực phát triển mới, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 26/5/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thông qua Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; theo đó, đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1.Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm, các cấp uỷ đảng, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển xuất khẩu và dịch vụ logistics, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân; cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ cảng biển và logistics trở thành trụ cột kinh tế quan trọng.
Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ logistics trên địa bàn.
2. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch
Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương. Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Xây dựng quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics Sơn Dương, Trung tâm logistics Đức Thọ; rà soát, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tạo nguồn cung xuất khẩu đa dạng.
Chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
3. Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics
Giai đoạn 1 (từ năm 2021 - 2023), tập trung triển khai chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng; thu hút lượng hàng hóa lưu thông qua cảng nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển cảng biển, dịch vụ logistics hậu cảng và đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng.
Giai đoạn 2 (từ năm 2024 - 2030), xây dựng, triển khai chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, gắn với phát triển dịch vụ logistics, trong đó tập trung hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp logistics gắn với xuất khẩu hàng hóa và đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng logistics.
Lồng ghép thực hiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng xuất khẩu như: Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh; chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
4. Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng hóa xuất khẩu, nâng cao nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics
Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Chủ động phối hợp triển khai, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển các mặt hàng có lợi thế so sánh của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ, thu hút các dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sau thép, công nghiệp chế biến; đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động hiệu quả: Nhà máy luyện gang thép 500.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất Pin VINES Vũng Áng, Khu công nghiệp sản xuất ô tô và linh phụ kiện gắn với Trung tâm logistics Sơn Dương, các nhà máy sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu.
Xây dựng phương án nâng cao năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhằm khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cảng biển Vũng Áng. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trung hạn xây dựng đê chắn sóng cảng Vũng Áng theo quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng 01 cảng cạn (ICD) tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô phù hợp, năng lực thông quan 13.500 - 27.000 TEU/năm để phục vụ lưu chuyển hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng, Cửa Lò sang Lào và Thái Lan.
Lập danh mục các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên để thu hút đầu tư, trong đó chú trọng xúc tiến đầu tư Trung tâm logistics hạng I tại Khu kinh tế Vũng Áng, Trung tâm logistics hạng II tại huyện Đức Thọ, Trung tâm logistics cấp tỉnh, hệ thống kho phân phối, trung tâm logistics cấp huyện gắn các cụm công nghiệp và các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung; các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp sau thép như: cơ khí chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện, đồ gia dụng…
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư
Chỉ đạo rà soát các quy định và phân công trách nhiệm quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và logistics qua cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn đảm bảo rõ ràng, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng thủ tục điện tử, kết nối mạng liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước; hiện đại hóa ngành hải quan, đảm bảo chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi, đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quy định pháp luật và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách và thực thi các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
6. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics
Đề ra các giải pháp xúc tiến thương mại đối với từng nhóm ngành hàng chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm chủ lực của tỉnh mang tầm quốc tế.
Kết nối với tham tán thương mại các nước để tìm hiểu cơ hội kinh doanh, hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ về điều kiện sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp đã có sản phẩm xuất khẩu mở rộng thêm thị trường mới, đặc biệt là thị trường EU, Nhật Bản và Mỹ.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh; chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử và các công nghệ mới trong hoạt động logistics.
Thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực logistics mở văn phòng, chi nhánh tại tỉnh Hà Tĩnh, tạo điều kiện dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics. Tăng số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, ứng dụng công nghệ hiện đại.
7. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho nguồn nhân lực ngành dịch vụ logistics, vận tải, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kiến thức hội nhập quốc tế và các nhóm ngành liên quan. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật những thay đổi về chính sách pháp luật, quy hoạch phát triển logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu và logistics. Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường xuất khẩu tiềm năng, nghiên cứu mô hình các trung tâm logistics trong và ngoài nước.
Võ Hữu Nam, TT Sở Công Thương