Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường là một nhiệm vụ xuyên suốt của Ngành Công Thương, đặc biệt là trong các dịp nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao như các dịp cuối năm, lễ Tết.
Năm 2024, trong bối tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới diễn biến khó lường, cùng với đó là ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ do thời tiết cực đoan, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế trong nước và trong tỉnh, để bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Sở Công Thương đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như:
Thứ nhất, tăng cường công tác theo dõi, dự báo diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Từ đầu năm 2024 đến nay thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dự báo những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng, sức mua của người dân sẽ tương đương so với cùng kỳ năm trước và tăng 15-20% so với ngày thường. Các ngày cận Tết, dự kiến các mặt hàng đồ uống, thực phẩm tươi sống (nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản) có thể có sự biến động về giá, dự kiến tăng từ 10-15% tại một số thời điểm.
Dự kiến tổng lượng cung ứng các mặt hàng nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 như sau: Gạo tẻ: 596.000 tấn; Thực phẩm tươi sống: thịt lợn: 20.500 tấn; thịt bò: 2.700 tấn; thịt gà: 6.500 tấn; rau củ: 33.600 tấn; thủy hải sản: 11.900 tấn; trứng gà vịt 97.000 quả. Dự báo nhu cầu dự trữ một số mặt hàng thiết yếu trong những ngày trước, trong và sau Tết giá trị gần 445 tỷ đồng.
Hà Tĩnh hiện có 01 trung tâm thương mại, 03 siêu thị cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu (Co.op mart ,Winmart tại TP Hà Tĩnh và Winmart Kỳ Anh), 151 chợ truyền thống, 51 cửa hàng Winmart+, 06 cửa hàng Co.op Food và hệ thống các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini tại các huyện, thành phố, thị xã đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Thứ hai, chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường của địa phương, chú trọng quản lý, bình ổn hàng hóa của các hộ tiểu thương buôn bán trong các chợ, bổ sung các nguồn hàng thiết yếu để phục vụ dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, triển khai sắp xếp trật tự kinh doanh cho các hộ cố định trong chợ và bố trí sắp xếp thêm các điểm kinh doanh tại khu vực chợ để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau tết Nguyên đán, nhất là trong những ngày cận Tết.
Thứ ba, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, chợ trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với mặt hàng thiết yếu đặc biệt là nhóm mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao phục vụ người dân trong dịp Tết; đồng thời thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó thúc đẩy sản xuất – kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (từ ngày 02/12/2024 đến ngày 31/12/2024); Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu, cụm công nghiệp… chỉ đạo 07 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hoá phục vụ tết với tổng trị giá gần 50 tỷ đồng; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn lên kế hoạch tổ chức các đợt khuyến mãi tập trung chủ yếu vào nhóm mặt hàng thiết yếu để phục vụ bà con với chất lượng bảo đảm.
Thứ tư, tăng nguồn cung cho thị trường do nhu cầu tăng cao: phối hợp với các sở ngành địa phương chỉ đạo sản xuất, dự trữ hàng hóa: theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường. Duy trì đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo đúng kế hoạch, tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung ứng đầy đủ cho người dân; Kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung ứng hàng hóa thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ tết Nguyên đán; Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối đảm bảo công tác bình ổn thị trường; Đảm bảo công tác cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết; đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và bình ổn thị trường.
Thứ năm, phối hợp với Cục Quản lý Thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, giám sát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Thứ sáu, phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, và các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường, giá cả, kế hoạch bình ổn thị trường, thực phẩm an toàn rộng rãi cho người dân, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của người dân; tuyên truyền sâu rộng về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, dự kiến trong dịp cuối năm 2024 và Tết nguyên đán Ất ty 2025, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân với giá cả hợp lý, không có sự tăng giá đột biến.
Ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương