Chủ động phương án cấp điện, đảm bảo đủ nguồn cho dự án Đô thị gần 3.700 tỷ đồng tại Khu vực phía Nam Cầu Phủ, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh
Dự án Khu đô thị, dịch vụ du lịch, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư trên diện tích 49,9ha.
Ngày 05/6/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1697/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 3.687 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn T&T là đơn vị trúng thầu. Dự án với mục tiêu xây dựng khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội, trường mầm non,...), góp phần phát triển đô thị văn minh, hiện đại, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan cho khu vực phía Nam thành phố Hà Tĩnh.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Xây dựng tham gia ý kiến điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án. Ngày 30/10/2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3671/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỷ lệ 1/500. Quy mô lập quy hoạch dự án là 71,5 ha, trong đó diện tích thực hiện dự án của Nhà đầu tư là 49,9ha.
Hiện nay Sở Công Thương đang tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; tham gia ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở hạng mục trạm biến áp và đường dây dẫn điện thuộc Dự án.
Ngày 06/11/2020, Đ/c Dương Thanh Hòa - PGĐ Sở Công Thương kiểm tra thực địa Phương án cấp điện cho khu quy hoạch dự án.
Đối hạ tầng điện thuộc dự án có tổng nhu cầu sử dụng điện trên 15.000kVA. Hiện nay, khu vực quy hoạch dự án đã có tuyến đường dây 22kV E18.1-82 (tiết diện AC-95) đi qua. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện của toàn bộ dự án là rất lớn nên cần phải đầu tư xây dựng mới một tuyến đường dây trung áp 22kV cấp điện riêng. Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã có văn bản số 2738/PCHT-KT ngày 04/11/2020 chấp thuận điểm đấu nối cho hệ thống điện cấp điện cho dự án từ trạm biến áp 110kV Thạch Linh công suất (63+40)MVA.
Tại buổi kiểm tra hiện trường, Đ/c Dương Thanh Hòa - PGĐ Sở Công Thương lưu ý Chủ đầu tư và Đơn vị tư vấn về việc cấp điện trước mắt phục vụ các hoạt động xây dựng dự án (san lấp mặt bằng, xây dựng khu thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, chung cư cao tầng,…) có thể lấy điện trực tiếp từ đường dây 22kV E18.1-82 đi ngay cạnh dự án. Về định hướng cấp điện lâu dài cho toàn dự án thống nhất với Phương án đầu tư mới đường dây 22kV hạ ngầm (chiều dài khoảng 05km) từ trạm biến áp 110kV Thạch Linh. Tuy nhiên, hiện nay Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh Phương án hướng tuyến đường dây 110kV và vị trí đặt trạm biến áp 110kV Hà Tĩnh (dự kiến đặt tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) - Đề nghị nhà đầu tư giao nhiệm vụ cho tư vấn nghiên cứu thêm phương án lấy nguồn điện từ trạm 110kV Hà Tĩnh để lựa chọn phương án tối ưu cấp điện cho dự án.
Việc đầu tư 05km đường điện 22kV hạ ngầm (yêu cầu hạ ngầm theo quy hoạch đối với các tuyến đường điện xây mới, cải tạo trong khu vực đô thị) từ trạm biến áp 110kV Thạch Linh sẽ rất tốn kém (tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng); công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng đường điện đi dọc theo hành làng quốc lộ 1A cũng sẽ có những khó khăn. Việc cấp nguồn điện từ trạm biến áp 110kV Hà Tĩnh (khoảng cách 03km, sử dụng đường dây đi nổi) sẽ đảm bảo nguồn điện, thuận tiện trong việc triển khai (do đường điện chủ yếu đi qua đất ruộng, đất nông nghiệp) và tiết kiệm được kinh phí (03km đường điện trung áp đi nổi ước tính khoảng 03 tỷ đồng, giảm được 12 tỷ so với phương án đi ngầm từ trạm 110kV Thạch Linh).
Sở Công Thương đã có văn bản số 1670/SCT-QLNL ngày 06/11/2020 cho ý kiến góp ý các nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở hạng mục trạm biến áp và đường dây dẫn điện thuộc dự án gửi Sở Xây dựng tổng hợp, thẩm định theo quy định. Giai đoạn tiếp theo, Sở Công Thương sẽ tiếp tục thẩm định thiết kế bản vẽ thi công đối với hệ thống đường dây và trạm biến áp thuộc dự án đảm bảo phù hợp với hiện trạng, các tiêu chuẩn hiện hành, quy hoạch phát triển điện lực và mục tiêu cấp điện an toàn, ổn định phục vụ dự án.
Dự án Khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh dự kiến sẽ bắt đầu khởi công vào ngày 26/11/2020. Dự án sẽ hình thành một khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đô thị văn minh và giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hà Tĩnh.
Phối cảnh Khu đô thị Nam Cầu phủ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T cũng đang khảo sát xin chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, như dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và vùng ven Sông Lam; Tổ hợp điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Vũng Áng 3 tại thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3,55 tỷ USD, tổng công suất phát điện 3.000 MW,… Sở Công Thương sẽ cùng với các sở, ban, ngành, địa phương đồng hành với nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần xây dựng Hà Tĩnh ngày càng phát triển.
Lê Sỹ Đình - QLNL