Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018: Chủ động – Đổi mới – Thiết thực và Hiệu quả
Sáng ngày 4/12 tại Hà Nội, Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 đã diễn ra với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới – Chủ động – Đổi mới – Thiết thực và Hiệu quả”.
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 tập trung thảo luận ba nhóm nội dung chính.
Thứ nhất: Việt Nam trước những sự kiện nổi bật và xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế, đề xuất quan điểm chính sách phù hợp để ứng phó với diễn biến mới của tình hình hội nhập thế giới và khu vực.
Thứ hai: Vấn đề thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của Việt Nam, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường.
Thứ ba: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.
Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam cho biết, việc tổ chức thành công Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ nhất năm 2017 đã tạo ra cơ sở quan trọng để lãnh đạo Chính phủ đưa ra các định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế 2018, trong đó có Chỉ thị số 26/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, nổi bật là Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, vẫn còn một số tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, có khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam
“Dù hiện tại có một số nhân tố đang ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hội nhập đa phương và khu vực song Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động từ những xu thế và diễn biến từ kinh tế thế giới và khu vực. Cần coi đây là vấn đề mang tính khách quan để có cách ứng phó chủ động và linh hoạt” Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực để từ đó đưa những phương án xử lý hợp lý, phù hợp với tình hình trong nước nói riêng và cục diện kinh tế thế giới nói chung. Với quan điểm đó, hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới cần đảm bảo 4 yếu tố: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”.
Việt Nam có cải thiện đáng kể trong tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chia sẻ về những tác động đối với kinh tế và thương mại quốc tế dưới góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang có tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng. Những xu thế đó có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam. Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng.Những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ. Chính ở đây, những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 nếu được kịp thời ứng dụng ở những lĩnh vực như logistics, tài chính, tổ chức sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, dịch vụ hành chính công, v.v. thì sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Ước lượng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, những xu thế đó cũng kéo theo không ít thách thức đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, xử lý hài hòa yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều bất định là không dễ. Các nghiên cứu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm, dù ở mức độ khác nhau tùy theo kịch bản. Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn nếu quá tập trung hơn vào xử lý tác động bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nói riêng và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nói chung. Trong khi ấy, chậm trễ trong cải cách có thể ảnh hưởng đến động lực cho doanh nghiệp cũng như khả năng bắt kịp, đi cùng và vượt lên các nước trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Thứ ba, Việt Nam phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng. Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn.
Thứ tư, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộngtới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Bản thân việc USD lên giá và rủi ro các nước khác phá giá nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để ứng phó với những xu thế thương mại mới trong kinh tế và thương mại quốc tế, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần xem xét thực hiện một số nhóm giải pháp sau:
Một là, cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản đủ chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mạivà tỷ giá của các nền kinh tế chủ chốt. Cần theo dõi động thái chính sách của các nước thứ ba để đánh giá sát hơn tình hình và học hỏi kinh nghiệm ứng phó.
Hai là, chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sáchphù hợp để định hướng hàng hoá xuất nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới, đồng thời khuyến khích việc tiếp cận và tận dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tăng cường năng lực và hoạt động của các cơ quan ngoại giao, thương vụ để dự báo và xử lý các biến cố đối với thị trường xuất nhập khẩu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của công nghệ, v.v.
Ba là, tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các Tổ chức, Diễn đàn kinh tế quốc tế; tăng cường trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh tế đa phương và khu vực, đồng thời hỗ trợ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đẩy nhanh vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam. Tìm kiếm cơ hội thúc đẩy các Hiệp định thương mại song phương và đa phương nhằm đón đầu các cơ hội hợp tác với các đối tác mới.
Bốn là, khuyến khích, kêu gọi tinh thần chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới và Cách mạng Công nghiệp 4.0, từ đó xác định yêu cầu điều chỉnh chiến lược sản xuất – kinh doanh, đặc biệt chú trọng tới việc chuyển đổi, cập nhật công nghệ mới. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tham vấn chính sách, kiến nghị những rào cản, bất cập chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ.
Cuối cùng, cần tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và hỗ trợ cho doanh nghiệp thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm hội nhập của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chính là yếu tố mang tính chất quyết định để hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới theo đúng tinh thần: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.
Về khuynh hướng thương mại toàn cầu, Tiến sỹ Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập kỷ gần đây có tác động tích cực rõ ràng đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, những thành quả của hội nhập thương mại có thể đã không được chia sẻ một cách đồng đều trên toàn cầu, một số chi phí tái phân bổ lại nguồn lực trong hội nhập thương mại dẫn đến thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành bị điều chỉnh có thể đã không được quan tâm đầy đủ ở một số quốc gia.
“Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó, Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu”, ông Deepak Mishra khuyến nghị.
Tại Diễn đàn, các diễn giả tập trung thảo luận, phân tích, dự báo những xu thế diễn biến trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực. Đặc biệt là xu thế bảo hộ thương mại và diễn biến của quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn của thế giới tác động tới kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn, các đại biểu cũng tập trung đánh giá các khía cạnh liên quan đến công tác triển khai thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam (CPTPP và EVFTA), những vấn đề đặt ra đối với cải cách thể chế và tiếp cận thị trường. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trao đổi các vấn đề trọng tâm trong việc thực thi các chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương