Năm nay, hội chợ thu hút sự tham gia của 64 doanh nghiệp Việt Nam, trưng bày 109 gian hàng trên diện tích 2.700m2. Những doanh nghiệp tham dự mang tới hội chợ các sản phẩm đa dạng thuộc nhiều nhóm ngành hàng: thực phẩm và đồ uống, máy móc và thiết bị, hàng tiêu dùng, dược phẩm, thiết bị và linh kiện, dịch vụ ngân hàng… Đây là các ngành hàng có thể đáp ứng tốt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Myanmar.
Cắt băng khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar 2018
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar đã trở thành cầu nối hiệu quả, có tác dụng tích cực giúp doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa, tìm hiểu chính sách kinh tế và môi trường đầu tư của Myanmar.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tin tưởng Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar 2018 sẽ mang đến cho doanh nghiệp hai nước nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa, mang đến cho người tiêu dùng Myanmar một trải nghiệm riêng, trải nghiệm đặc biệt về hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao của Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đi thăm gian hàng tại Hội chợ
Thông qua các kỳ Hội chợ, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Myanmar. Tính đến nay, 125 doanh nghiệp đã mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Myanmar, trong đó có thể kể tên các doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu uy tín và hệ thống phân phối rộng khắp tại thị trường sở tại như Điện Quang, Lioa, Cadivi, Bitas, Kangaroo…, được người tiêu dùng Myanmar rất ưa chuộng.
Trong những doanh nghiệp thành công phải kể đến Hanvico. Tham gia Hội chợ liên tục từ năm 2012, tới nay, Hanvico đã thiết lập được 4 chi nhánh, 6 văn phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Myanmar và đầu tư vào một nhà máy sản xuất tại Yangon với tổng mức đầu tư đạt hơn 2 triệu USD. Đến nay, Hanvico đã chiếm thị phần chi phối của thị trường chăn ga gối đệm cao cấp tại Myanmar.
Nhân dịp Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar 2018, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Cộng hòa Liên bang Myanmar Than Myint. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Myanmar đưa mặt hàng thanh long và một số mặt hàng nông sản ra khỏi danh sách các mặt hàng cần xin giấy phép nhập khẩu tại Myanmar trong thời gian tới, bên cạnh đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực khí và xăng dầu tại nước này.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại buổi làm việc với Bộ trưởng Than Myint
Ghi nhận đề nghị của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Cộng hòa Liên bang Myanmar cũng đề nghị Việt Nam cho phép nhập khẩu mặt hàng đậu của Myanmar. Bộ trưởng Than Myint cho biết, Myanmar là đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng để sản xuất, do vậy còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ trưởng Than Myint mong muốn Việt Nam tạo thêm nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát triển giao thương, mong muốn đón nhận nhiều nhà đầu tư từ phía Việt Nam.
Thời gian qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Myanmar tăng trưởng nhanh và ổn định. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 828,3 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016. 10 tháng đầu năm 2018 đạt 723,2 triệu USD trong, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại đứng thứ 9 của Myanmar, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Myanmar. Tính trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Myanmar (sau Singapore và Thái Lan).
Tại buổi làm việc nói trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Bộ trưởng Than Myint cùng đề ra phương hướng để sớm đưa kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Myanmar đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
© 2018 congthuonghatinh.gov.vn
Địa chỉ: Số 02, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh