Lịch sử hình thành và phát triển
Giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển ngành Công Thương từ 1945 đến nay:
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 giành thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngành Công Thương cả nước cũng từng bước được hình thành và phát triển. Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, tên gọi và chức năng nhiệm vụ của ngành Công Thương có những thay đổi: Ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22A/SL quy định tổ chức bộ máy kinh tế, trong đó thành lập Nha Thương vụ và Nha Tiếp tế là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về Thương nghiệp của nước ta. Thời gian này ngành Công nghiệp cũng được hình thành, là tiền thân của các Bộ Kinh tế, Bộ Công Thương và nhiều Bộ ngành khác… Ngày 14/5/1951, chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.
Cùng với ngành Công Thương cả nước, Công Thương Hà Tĩnh được hình thành và thực hiện nhiệm vụ khôi phục xây dựng hệ thống cơ sở sản xuất Công nghiệp, tiểu thủ Công nghiệp, củng cố tổ chức hệ thống mạng lưới lưu thông. Các Công ty thương nghiệp quốc doanh, Hợp tác xã mua bán từ tỉnh, huyện đến xã. Các xí nghiệp, nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, tập trung sản xuất chế tạo cơ khí, vật liệu xây dựng, đồ gốm, sành sứ, dệt vải, sản xuất muối… đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân và chi viện cho tiền tuyến.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Công Thương Hà Tĩnh đã tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Thực hiện hậu cần tại chỗ, xây dựng kinh tế địa phương; huy động nguồn lực, đáp ứng các yêu cầu về vật tư, lương thực, thực phẩm, hàng hoá cho các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang và cung ứng sản phẩm hàng hoá chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong bom đạn chiến tranh phá hoại khốc liệt, nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất thuộc ngành phải sơ tán, di chuyển nhiều lần các đơn vị, xí nghiệp sản xuất, các công ty mua bán và lưu thông hàng hoá vẫn bám sát nhiệm vụ để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông phục vụ nhân dân. Những điển hình xuất hiện trong thời kỳ đó là Xí nghiệp cơ khí Ấp Bắc, Xí nghiệp sản xuất sành sứ thủy tinh, Xí nghiệp sản xuất bánh kẹo, Công ty nông sản thực phẩm Hà Tĩnh, Cửa hàng phục vụ ăn uống Voi, HTX mua bán xã Đức Hòa (Đức Thọ)... Mặc dầu phải đối mặt với bao nhiêu gian khổ và nguy hiểm, nhưng hàng ngàn cán bộ ngành Công Thương Hà Tĩnh đã tham gia hoạt động sản xuất và lưu thông. Hàng trăm người trong đội ngũ ấy là cán bộ, công nhân, mậu dịch viên… đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và không ít những người đã mang trên mình những vết thương nặng do hậu quả của chiến tranh.
Chiến thắng mùa xuân lịch sử năm 1975 đã đem lại hòa bình thống nhất cho Tổ quốc, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều cán bộ ngành Công nghiệp, Thương nghiệp được điều động vào Miền Nam để tiếp quản, xây dựng, quản lý và củng cố cơ sở sản xuất, lưu thông theo phương thức xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ngành cũng tiếp nhận hàng ngàn lao động là quân nhân trong lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ các chiến trường về bổ sung vào nguồn lao động và đảm nhiệm các nhiệm vụ trong ngành Công nghiệp - Thương nghiệp sau khi thống nhất đất nước.
Nghị quyết kỳ họp thứ 2, của Quốc hội khóa V ngày 27/12/1975 đã thông qua việc hợp nhất 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Tháng 3/1976 các cơ quan ban ngành đoàn thể đã tiến hành hợp nhất về tổ chức bộ máy và hoạt động theo chức năng nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo quản lý của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ Tĩnh. Thời gian này ngành Công nghiệp và Thương nghiệp vừa phải củng cố tổ chức, vừa phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất Công nghiệp, tiểu thủ Công nghiệp, khai thác nguồn hàng đảm bảo lưu thông phân phối, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống nhân dân và thực hiện chỉ tiêu giao nộp cho Trung ương. Tuy còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng ngành Công nghiệp, Thương nghiệp Nghệ Tĩnh đã chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao, ổn định thị trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Tháng 8/1991, tỉnh Nghệ Tĩnh được chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cùng với những khó khăn của tỉnh sau khi mới được tái lập, ngành Công nghiệp và Thương nghiệp Hà Tĩnh bước vào thời kỳ mới với nhiều vất vả, thiếu thốn về cơ sở vật chất; vốn hoạt động của doanh nghiệp thiếu trầm trọng, thu nhập dân cư thấp, thị trường hạn chế… Mặc dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, ngành đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới, vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Nhìn lại thời kỳ từ năm 1991 đến tháng 4/2008, ngành Công nghiệp và Thương mại - Du lịch Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Hệ thống tổ chức bộ máy và hoạt động của toàn ngành đã có bước phát triển, khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng của ngành đối với sự phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh. Nhiều quy hoạch, đề án, cơ chế chính sách, dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp, Thương mại - Du lịch được ngành tham mưu và phối hợp thực hiện có hiệu quả. Các cơ sở sản xuất Công nghiệp, tiểu thủ Công nghiệp, hệ thống Thương mại - Du lịch - Dịch vụ tăng cả về số lượng và quy mô, chất lượng hoạt động, tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Với những thành tích đã đạt được, năm 2006 ngành Công nghiệp và ngành Thương mại - Du lịch đều được Nhà nước tặng Huân chương lao động Hạng III. Nhiều tập thể và cá nhân được Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh tặng cờ thi đua và bằng khen.
Bước sang năm 2008, là năm có nhiều mốc lịch sử trọng đại của ngành Công Thương Việt Nam nói chung và Ngành Công Thương Hà Tĩnh nói riêng. Bộ Công Thương được tái lập theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XII, ngày 31//7/2007 hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 31/3/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành Quyết định số 842/QĐ-UBND hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại -Du lịch Hà Tĩnh thành Sở Công Thương Hà Tĩnh. Chuyển chức năng và tổ chức quản lý du lịch của Sở Thương mại - Du lịch vào Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Mặc dù phải đối mặt với bộn bề khó khăn sau khi sáp nhập nhưng ngành đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,2%/năm; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 18,5%/năm. Với những kết quả đã đạt được, năm 2010, ngành Công Thương vinh dự được tặng cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng Huân chương của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh. Đặc biệt, ngành Công Thương Hà Tĩnh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì.
Tiếp tục kế thừa, phát huy thành tựu đạt được của các giai đoạn trước, từ năm 2011 đến nay, ngành Công Thương Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu và đạt được nhiều thành tích vượt bậc; hệ thống quy hoạch, chiến lược phát triển Ngành từng bước được hoàn thiện đồng bộ, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết các lĩnh vực, điển hình là: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015; Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035; Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020; Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quy hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020... Hệ thống chính sách được thể chế hóa bằng những văn bản có hiệu lực cao như Nghị quyết Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh, Quyết định quy phạm pháp luật của UBND tỉnh đã tạo nguồn lực lớn, thúc đẩy phát triển ngành, điển hình là: chính sách phát triển cụm công nghiệp; chính sách khuyến công; chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chính sách phát triển thương mại nông thôn, chính sách xuất khẩu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh … Bên cạnh đó, nhiều chủ trương đúng đắn được thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả cao như: bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý; Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các lĩnh vực liên quan; chuyển đổi mô hình quản lý chợ…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, trong nước kinh tế gặp nhiều khó khăn, chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ với mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức tăng trưởng hợp lý; trong tỉnh tình hình thiên tai, dịch bênh, bão lũ xảy ra thường xuyên đặc biệt: năm 2016, sự cố môi trường; năm 2020 vừa hứng chịu trận lũ lịch sử và đại dịch Covid-19 nhưng ngành Công Thương Hà Tĩnh đã nỗ lực, vượt khó để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị đề ra.
Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 41.200,68 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020 đạt trên 84.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước; tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP tăng từ 7,52% năm 2011 lên 12,92% năm 2015 và lên 34,74% vào năm 2020. Nhiều dự án công nghiệp trọng điểm hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng năng lực sản xuất ngành công nghiệp, điển hình như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy gang thép của công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy thuỷ điện Hương Sơn, Nhà máy sản xuất cọc sợi Vinatex - Hồng Lĩnh, Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Tổng kho xăng dầu Vũng Áng, Nhà máy sản xuất gỗ MDF Thanh Thành Đạt; Nhà máy điện năng lượng mặt trời Cẩm Hòa; Nhà máy may Haivina Hồng Lĩnh... Cơ sở hạ tầng điện phát triển, đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; 100% các xã có hạ tầng điện đảm bảo tiêu chí số 4 theo Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công Thương….
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 21%/năm, giai đoạn 2016-2020 mặc dù tác động bởi sự cố môi trường, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng và dịch covid-19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng gần 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 13,59%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 56,42%/năm. Thương mại dịch vụ phát triển, cơ sở hạ tầng được tăng cường; Thị trường, giá cả hàng hoá ổn định, Thương mại nông thôn được quan tâm và tổ chức thực hiện bài bản, có chiều sâu. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh và các chính sách phát triển thương mại nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại có bước chuyển biến đáng kể, hình thành 02 siêu thị Vinmart (Vinmart Hà Tĩnh và Vinmart Kỳ Anh), 17 cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 02 cửa hàng Coop Food, 36 siêu thị mini; Trung tâm thương mại Vincom Plaza Hà Tĩnh với kiến trúc sang trọng, hiện đại tạo điểm nhấn đô thị thành phố Hà Tĩnh; nâng cấp 113 chợ và gần 30 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tầng bước được hoàn thiện, đến năm 2020 có 171 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nhiều chợ đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoạt động rất hiệu quả. Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn được quan tâm triển khai hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi và giao DN/HTX quản lý 120/127 chợ. Công tác quản lý kinh doanh có điều kiện về xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng được tăng cường, hệ thống phân phối xăng dầu được đầu tư khang trang, đạt chuẩn theo quy định.
Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới cả về hình thức, chất lượng. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương giai đoạn 2011-2020 đã hỗ trợ trên 270 dự án với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng; khuyến công quốc gia hỗ trợ gần 20 tỷ đồng. Tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều Hội chợ, chương trình có quy mô và tầm ảnh hưởng như: Hội chợ quốc tế Hà Tĩnh 2013, Hội chợ xuân hàng năm, Hội nghị xúc tiến giao thương, tọa đàm tư vấn doanh nghiệp… Chính sách xuất khẩu được đẩy mạnh thực hiện trong cả giai đoạn, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 29/10/2007 về tăng cường lãnh đạo phát triển xuất khẩu giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và hàng năm nguồn ngân sách tỉnh bố trí hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.
Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2010 đến nay Sở Công Thương 01 lần được Thủ tướng Chính phủ, 02 lần được Bộ Công Thương, 01 lần được Công đoàn ngành Công Thương Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng Bằng khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và đặc biệt năm 2016 ngành Sở Công Thương vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.