Nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển ngành Công Thương năm 2025
Năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, địa phương và sự nổ lực của cộng đồng các doanh nghiệp; hoạt động ngành Công Thương đã đạt một số kết quả quan trọng: Giá trị gia tăng trong GRDP đạt 6,54%; tỷ trọng công nghiệp trong GRDP năm 2023 chiếm khoảng 32,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,27% so với cùng kỳ. Công tác quản lý nhà nước được triển khai tích cực và đồng bộ trên các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương; các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử được triển khai hiệu quả. Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh năm 2024 đứng thứ 35/58 tỉnh được đánh giá xếp hạng, tăng 07 bậc so với năm 2023.
Sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn nhưng đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới đang tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 5% so với năm 2023, trong đó một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so với năm 2023, như sản lượng bia đạt 83 triệu lít, tăng 19%; điện sản xuất đạt 9,7 tỷ kWh, tăng 19%; sản phẩm mới pack pin đạt gần 6.000 pack, đạt 60% kế hoạch. Kịp thời triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực quốc gia; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 2,4 tỷ USD, đạt kế hoạch đề ra; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu từ hoạt động sản xuất công nghiệp như thép ước đạt 2,2 tỷ USD; dăm gỗ ước đạt 70 triệu USD, hàng dệt và may mặc ước đạt 33 triệu USD, chè ước đạt 5,5 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,74 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của Formosa.
Các hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, sức mua các mặt hàng tăng mạnh. Các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, cân đối, cung cầu hàng hoá, bình ổn giá cả thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm… qua đó đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tăng 17,27%, trong đó một số nhóm có mức tăng trưởng cao, như gỗ và vật liệu xây dựng; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; vật phẩm văn hóa giáo dục; lương thực, thực phẩm; hàng may mặc...
Công tác quản lý nhà nước của Sở Công Thương đã được tăng cường; hoàn thành các chương trình, nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ và chất lượng trên các lĩnh vực như: quản lý công nghiệp và khuyến công; quản lý thương mại và xúc tiến thương mại; quản lý năng lượng; quản lý kỹ thuật, an toàn môi trường công nghiệp; thanh tra và phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính... Các cơ chế chính sách lĩnh vực Công Thương như cụm công nghiệp, khuyến công, logistics, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quan tâm đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các hoạt động phát triển công nghiệp nông thôn, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được tổ chức đồng bộ, khá hiệu quả; các hoạt động về chuyển đổi số, thương mại điện tử đảm bảo yêu cầu, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được tổ chức quy mô, bài bản, mang tính lan tỏa cao.
Tuy vậy, còn một số tồn tại, hạn chế như giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GRDP, chỉ tiêu sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch được xây dựng từ đầu năm. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu chủ yếu phụ thuộc vào các dự án lớn, doanh nghiệp FDI. Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, chưa cải thiện đáng kể về chất lượng, mẫu mã để có thể xâm nhập vào các thị trường mới. Việc cập nhật, bổ sung Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đến nay chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó chưa có đủ cơ sở pháp lý để cập nhật, điều chỉnh đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tỉnh; tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện vẫn diễn ra tại các địa phương gây nguy cơ mất an toàn. Triển khai một số dự án công nghiệp lớn còn vướng mắc về hồ sơ thủ tục tại bộ, ngành Trung ương; Công tác quản lý phát triển chợ trên địa bàn tỉnh tiếp tục còn một số bất cập, khó khăn; hoạt động thương mại biên giới còn chưa sôi động, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh. Công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị trong triển khai các kế hoạch khuyến công chưa chặt chẽ; hoạt động xúc tiến thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa thể hiện được rõ nét; nhiều chính sách phát triển công nghiệp, thương mại từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, xúc tiến thương mại quốc gia chưa tranh thủ và khai thác được.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, thời cơ, thách thức đan xen. Trong tỉnh, năm 2025 tiếp đà thuận lợi từ kết quả của năm 2024, nhất là một số động lực tăng trưởng mới từ các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh. Ngành Công Thương đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025: Chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến tăng 10%; giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong dự kiến tăng khoảng 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 80.615 tỷ đồng, tăng khoảng 15%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 4,2%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4 tỷ USD, tăng 5,26% so với năm 2024.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, chủ động tham mưu nội dung để triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực Công Thương. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển Công Thương như cụm công nghiệp, khuyến công, logistics, xuất khẩu. Nghiên cứu, đánh giá và tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển Công Thương cho giai đoạn 2026-2030.
Thứ hai, triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 19/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030, trong đó tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm; quan tâm phát triển công nghiệp nông thôn; thực hiện việc chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất kinh doanh; Tăng cường công tác kết nối doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo chuỗi liên kết, nhất là nhóm ngành chế biến sâu sản phẩm thép, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và chế biến nông lâm thủy hải sản.
Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình tiến độ thực hiện dự án; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, bàn giao mặt bằng và thi công xây dựng hạ tầng. Đẩy mạnh công tác phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Thứ ba, triển khai thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, cụ thể: Tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; rà soát, đề xuất bổ sung nguồn vốn từ ngân sách đảm bảo từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, nhất là hệ thống bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo điều kiện hoạt động của cụm công nghiệp theo quy định của Luật bảo vệ môi trường; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm bố trí vốn đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đảm bảo đủ mặt bằng thu hút dự án thứ cấp. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo phương án phát triển cụm công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh, trước mắt thành lập, mở rộng đối với các CCN: Tân Lâm Hương, Bắc Cẩm Xuyên 2, Cổng Khánh 3, Xuân Mỹ, Lâm Hợp, Hương Long, Lạc Thiện, Cổng Khánh 2...
Thứ ba, xây dựng phương án phát triển mạng lưới điện phân phối nhằm đảm bảo quá trình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh an toàn, ổn định, liên tục và triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ; tham mưu triển khai Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Triển khai thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu về hạ tầng nguồn, lưới điện, cơ sở sử dụng năng lượng trên địa bàn nhằm khai thác, phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng. Chỉ đạo, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đảm bảo an toàn, ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn; đặc biệt trong các tháng cao điểm nắng nóng mùa khô, phòng chống bão lụt và cấp điện cho các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, Tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác bàn giao công trình điện theo Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam; bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 04/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương - Bộ trưởng Bộ Tài chính. Triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức tuyên truyền, đôn đốc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, định mức tiêu hao năng lượng, kiểm kê khí nhà kính, đảm bảo an toàn trong vận hành, điều tiết điện năng; kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật tại các cơ sở năng lượng trọng điểm, cơ sở sử dụng điện trọng điểm.
Thứ năm, đánh giá tổng kết các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã triển khai trên địa bàn; nghiên cứu xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2026-2030 như lĩnh vực khuyến công, xúc tiến thương mại, sản xuất và tiêu dùng bền vững, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thương mại điện tử; thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; hạ tầng thương mại biên giới... Triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương và kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2025 đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và xúc tiến thương mại quốc gia để thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối giao thương, đưa sản phẩm của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, cả nước, kết nối xuất khẩu.
Thứ sáu, triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; Nghị định 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai Quy định về quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Triển khai kế hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; phương án phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai thực hiện các quy chế phối hợp quản lý nhà nước và tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật và tổ chức giám sát, theo dõi thi hành pháp luật đối với các lĩnh vực: kinh doanh theo phương thức đa cấp; bảo vệ quyền người tiêu dùng; an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, xăng dầu, khí, thuốc lá, rượu, chợ...
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện Đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tham mưu các giải pháp phát triển xuất khẩu, chủ động hội
nhập quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu; từng bước phát triển dịch vụ
logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Thứ tám, xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội xuân 2025; Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tham mưu phương án đảm bảo hậu cần, ứng phó thiên tai; phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2025.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; chủ động báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây bất ổn thị trường. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; xây dựng và tham mưu ban hành Kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2025 và tết Nguyên đán Bính Ngọ năm 2026.
Thứ chín, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh nói chung và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, logistics, chợ… Thực hiện có hiệu quả thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc… đảm bảo thông thoáng và dễ thực hiện, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Năm 2025 bên cạnh những thuận lợi, thời cơ sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhưng với sự quyết tâm cao của toàn ngành Công Thương “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, cùng với sự chung sức đồng lòng phấn đấu của các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp nêu trên góp phần đưa ngành Công Thương đạt được mục tiêu đã đề ra.
Ông Đặng Văn Thành - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương