1. Thông tin chung về CCN do nhà nước quản lý
Trên địa bàn toàn tỉnh có 12 CCN được UBND tỉnh giao UBND cấp huyện làm chủ đầu tư lập dự án và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 255ha, hiện đã thu hút được 178 dự án thứ cấp, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình 62%; các CCN này đều đã có Quyết định thành lập/mở rộng; đã được được phê duyệt quy hoạch chi tiết; tuy nhiên, chưa được đầu tư hoàn thiện Hệ thống kỹ thuật xử lý môi trường, quan trắc nước thải tự động, liên tục và công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định.
2. Thực trạng mô hình quản lý CCN của UBND cấp huyện
- Hiện nay có 01 huyện thành lập Ban quản lý CCN hoạt động chuyên trách: UBND huyện Lộc Hà thành lập Ban Quản lý CCN huyện Lộc Hà tại Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 10/8/2012; kiện toàn thành Ban Quản lý khu du lịch, cụm công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật huyện Lộc Hà tại Quyết định số 3280/QĐ-UBND ngày 29/7/2020.
- Có 02 địa phương thành lập Ban quản lý các CCN hoạt động kiêm nhiệm: UBND thành phố Hà Tĩnh và UBND huyện Đức Thọ.
- UBND cấp huyện trực tiếp làm chủ đầu tư và tổ chức quản lý trong đó giao cho Ban quản lý xây dựng cơ bản tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng và giao phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng tham mưu quản lý nhà về CCN.
3. Những khó khăn, vướng mắc
- Hiện nay UBND cấp huyện đang tiếp tục quản lý hoạt động CCN theo quyết định thành lập CCN, trong đó, giao các phòng, ban chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện công tác quản lý nhà nước theo các lĩnh vực phụ trách đồng thời giao ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản[1] (Ban A) làm Chủ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật CCN. Tuy vậy Ban A chưa được giao chức năng, nhiệm vụ quản lý, khai thác, vận hành CCN; việc bổ sung chức năng nhiệm vụ chưa thể thực hiện, do chưa có quy định, hướng dẫn.
- Hoạt động của Ban A cấp huyện hiện nay đang sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp và các nguồn thu khác phục vụ hoạt động của đơn vị theo điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật. Việc xác định, phê duyệt giá dịch vụ công cộng, tiện ích dùng chung trong CCN (theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ, không quy định đối với các CCN do nhà nước quản lý), nên khó khăn, hạn chế về nguồn thu để đảm bảo duy trì hoạt động bộ máy quản lý cũng như phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật CCN.
- Ngân sách địa phương hạn chế nên chưa đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và phát triển CCN chưa đồng bộ với một số Luật chuyên ngành liên quan, như Luật đầu tư, Luật quản lý và sử dụng tài sản công, Luật môi trường… nên quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, đây là thực trạng chung trên địa bàn cả nước.
Kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện làm Chủ đầu tư hạ tầng CCN đồng thời thực hiện việc quản lý, khai thác, vận hành các CCN trên địa bàn do nhà nước đầu tư đến khi cấp có thẩm quyền có quy định mới về nội dung này.
Thái Hoàng Nhật - PTP Quản lý công nghiệp.
[1] UBND thành phố Hà Tĩnh thì giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và trật tự đô thị thành phố; Đức Thọ vẫn duy trì Ban quản lý CCN (kiêm nhiệm); Lộc Hà giao Ban Quản lý CCN chuyên trách (từ trước đến nay đã thực hiện).
© 2018 congthuonghatinh.gov.vn
Địa chỉ: Số 02, đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh