Thực hiện cuộc vận động “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM
Ngày 31-7-2009, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 264-TB/TW, kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sau hơn 10 năm thực hiện, Cuộc vận động đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi xu hướng lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn.
Theo số liệu khảo sát, báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp cho thấy, hiện nay, hàng Việt chiếm tỷ lệ cao, từ 75%-80% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Hàng Việt đã chiếm 80% trong hệ thống siêu thị, 72% hệ thống trung tâm thương mại, 65% chuỗi cửa hàng tiện lợi và mở rộng phân phối đến nhiều vùng xa trung tâm của tỉnh.
Sở Công Thương phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi Rung chuông vàng đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Ảnh Báo Hà Tĩnh)
Trong thời gian qua, Cấp ủy, Mặt trận tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tỉnh ủy đã chỉ đạo, thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo Cuộc vận động từ cấp tỉnh đến cấp huyện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện Cuộc vận động.
Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Đến nay, đã xây dựng trên 430 chương trình phóng sự truyền hình, hàng ngàn tin bài trên các Báo, bản tin, tạp chí nhằm khuyến khích, tuyên truyền người tiêu dùng mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh. Tổ chức thành công hội thi “Tuổi trẻ Hà Tĩnh đồng hành cùng hàng Việt”, Rung chuông vàng “ Thanh niên Hà Tĩnh đồng hành cùng hàng Việt” “Ấn tượng doanh nhân”…Hàng năm, tổ chức các hội nghị, tập huấn tuyên truyền Cuộc vận động cho các đối tượng là đảng viên, cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên, các tổ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; lồng ghép tuyên truyền các nội thông qua các Hội nghị chuyên đề, Hội thảo, sinh hoạt thôn xóm, tổ dân phố, hệ thống loa phát thanh cơ sở… để tuyên truyền trực tiếp đến người dân.
Hệ thống cơ chế chính sách từ sản xuất, chế biến đến bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh được ban hành khá đồng bộ, kịp thời. Cơ sở hạ tầng thương mại, mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm trong nước, trong tỉnh được đầu tư, phát triển ngày càng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trong 10 năm đã thực hiện hỗ trợ, đầu tư cải tạo 75 chợ; xây dựng mới 17 chợ với tổng kinh phí đầu tư đạt trên 1.400 tỷ đồng; đến nay đã có 168 chợ, 5 siêu thị, 2 Trung tâm thương mại và nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi; hệ thống kho bảo quản, vận chuyển tiêu thụ ngày càng phát triển góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng một cách thuận lợi. Hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu trên 660 mẫu nhãn/logo; đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho 1.200 đơn đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm trong tỉnh. Đến nay, Hà Tĩnh đã trên 140 sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 72 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên.
Nước mắm Phú Khương được đầu tư về kiểu dáng,
Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiệt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả hàng hóa, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,…góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho sản xuất và tiêu thụ hàng Việt, bảo về quyền lợi người tiêu dùng, trong 10 năm qua đã kiểm tra, xử lý trên 30.000 vụ, xử lý vi phạm và giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 45 tỷ đồng.
Quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh. Chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến giao thương; lễ ký kết đưa sản phẩm của Hà Tĩnh vào siêu thị; hỗ trợ hướng dẫn kết nối đưa sản phẩm sản xuất trong tỉnh vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị; tổ chức lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh thường niên, phiên chợ đêm với quy mô từ 80-100 gian hàng, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm chất lượng, nổi tiếng, đặc sản của các địa phương đến với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Trong 10 năm đã hỗ trợ 22 doanh nghiệp thực hiện tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh với số tiền hơn 15 tỷ đồng; Tổ chức 15 phiên chợ hàng Việt từ nguồn xúc tiến thương mại Quốc gia trên 1,6 tỷ đồng; Chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện 385 chuyến đưa hàng việt về nông thôn, miền núi với số tiền trên 850 triệu đồng. Ngoài ra còn tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình: “Tự hào hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, thực hiện các chương trình “khuyến mại”, “giảm giá”, “giờ vàng”, ... trong mua sắm đối với sản phẩm Việt Nam, sản phẩm Hà Tĩnh. Chương trình bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt cũng đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và đảm bảo bình ổn giá đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân…
Cùng với việc làm thay đổi lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh, góp phần tạo nên những thương hiệu được nhiều người tiêu dùng yêu thích.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Cuộc vận động vẫn gặp những khó khăn, tồn tại hạn chế như: Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ làm tăng sức ép từ việc phải tuân thủ các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia cũng như việc mở cửa và cắt giảm các dòng thuế theo lộ trình đã cam kết; phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh hạn chế; Một số hàng hóa Việt Nam và của tỉnh chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Một số cán bộ, người dân vẫn chưa nhận thức rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cuộc vận động; sự phối hợp của các ngành, các cấp trong thực hiện một số nội dung cuộc vận động còn thiếu chặt chẽ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra và khó kiểm soát trên thị trường; hệ thống phân phối chợ truyền thống đang đảm nhiệm hơn 60% lượng hàng hóa trong tổng mức bán lẻ nhưng tại các chợ, việc truy suất hàng hóa còn hạn chế; không ít người dân địa phương chỉ thích mua hàng hóa giá rẻ, chất lượng không đảm bảo và gây cạnh tranh không lành mạnh với hàng Việt.
Trên cơ sở các kết quả trên, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mục tiêu, đến năm 2020, hàng Việt có thế mạnh chiếm trên 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... Thời gian tới, cần tiếp tục chỉ đạo, phát huy vai trò của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Tham gia thực hiện có hiệu quả các Đề án, chương trình do Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt như Đề án Phát triển thị trường trong nước (gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”) nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp về truyền thông, tôn vinh quảng bá sản phẩm và thương hiệu uy tín. Tổ chức hệ thống phân phối hàng Việt Nam có tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, những điểm bán hàng Việt Nam gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh; tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trong các chợ truyền thống, tham gia chương trình thương mại điện tử; tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam và hàng sản xuất trong tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội trong sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công.
Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng, việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh sẽ đi vào chiều sâu, thực sự phát huy hiệu quả, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Võ Tá Nghĩa