Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tháng 7/2022
Sáng ngày 01/7/2022, Hội đồng Phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Công Thương đã tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục tháng 7/2022, tại Hội nghị ông Trần Huy Thành, Chánh Thanh tra, Phó Chủ tịch Hội đồng đại diện Hội đồng đã chủ trì, phổ biến các quy định pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 7/2022 và các vấn đề dư luận xã hội được quan tâm; theo đó, Hội nghị đã phổ biến đến toàn thể cán bộ cơ quan văn phòng Sở và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, một số văn bản pháp luật, cụ thể:
Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; theo đó, Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đối tượng áp dụng gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng.
Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng.
Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng.
Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, một số nội dung cơ bản sau:
- Đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba: Nhà thầu thi công xây dựng.
- Phạm vi bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
- Số tiền bảo hiểm tối thiểu: (i) đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất; (ii) đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng và là 100 tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
- Thời hạn bảo hiểm: thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
- Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba: Phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Cụ thể, Chính phủ khuyến khích đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp. Đồng thời, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái:
+ Đăng ký ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp;
+ Dự kiến mức phát thải cho từng ngành, nghề;
+ Dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp, phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh tại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp;
+ Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái quy định tại Điều 37 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện.
- Được cấp có thẩm quyền quy định loại hình KCN sinh thái trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để làm căn cứ kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn chứng từ; Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn và chứng từ. Đây là văn bản quy phạm pháp luật mới nhất quy định về hóa đơn điện tử. Nghị định và Thông tư đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:
Trước ngày 11/7/2022, chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP), đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1, Điều 11 Thông tư số 78/2021/TT-BTC).
Từ 01/7/2022, bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán...
Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Thực tế, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước từ tháng 4/2022 nhưng do thời gian áp dụng chưa lâu nên trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc.
Thông tư số 10/2022/TT-BCT ngày 01/6/2022 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Thông tư số 22/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, C/O mẫu D điện tử (mẫu mới) được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2022/TT-BCT. Còn C/O mẫu D theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 19/2020/TT-BCT (mẫu cũ) được cấp đến hết ngày 31/10/2022 và được cơ quan hải quan chấp nhận trong thời hạn quy định tại Điều 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 19/2020/TT-BCT. Như vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến hết ngày 31/10/2022, cơ quan hải quan chấp nhận đồng thời C/O mẫu D mẫu cũ và C/O mẫu D mới. Từ ngày 01/11/2022, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận C/O mẫu D (mẫu mới). Ngoài ra, Thông tư số 10/2022/TT-BCT cũng hướng dẫn cụ thể về chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (tại Điều 12 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 10/2022/TT-BCT) sau thời gian thực hiện thí điểm theo Thông tư số 22/2016/TT-BCT).
Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 21/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh “về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Theo đó, thực hiện Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) năm 2022 từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ngăn ngừa các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Võ Hữu Nam, TT Sở Công Thương