XÃ HỘI HÓA ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CỤM CÔNG NGHIỆP
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp từ nguồn xã hội hóa nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động khoảng 1.250 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hạ tầng 21 cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó ngân sách nhà nước đã đầu tư khoảng 320 tỷ đồng và nguồn vốn từ các doanh nghiệp khoảng 930 tỷ đồng. Đối với các cụm công nghiệp được đầu tư từ ngân sách nhà nước, UBND cấp huyện đã chọn giải pháp đầu tư hạ tầng phù hợp với tình hình ngân sách trong mỗi giai đoạn như phân kỳ, chọn công trình/hạng mục thi công và vừa xây dựng, vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư, điển hình như Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim, huyện Lộc Hà với diện tích 5,5ha đã được ngân sách đầu tư 35 tỷ đồng để thực hiện các nội dung như san lấp mặt bằng, đường giao thông nội cụm, hệ thống thu gom, xử lý nước thải… hay như Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên với diện tích 51,05ha đã được ngân sách đầu tư để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, đường giao thông nội cụm, mương thoát thải..; Cụm công nghiệp Phù Việt với diện tích 39,52ha đã được ngân sách bố trí 36,55 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục/công trình như đường giao thông nội cụm, hệ thống mương thoát thải, hệ thống xử lý nước thải… Các cụm công nghiệp đã phục vụ nhu cầu cơ bản của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản xuất kinh doanh trong cụm.
Để đẩy mạnh công tác công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, trong thời gian vừa qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 và Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 về một số chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, trong đó đã quy định một số cơ chế, chính sách có tính “đột phá” xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp như “được hỗ trợ 0,5 tỷ đồng/ha, nhưng không quá 20 tỷ đồng/cụm công nghiệp đối với các cụm công nghiệp đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; không quá 10 tỷ đồng/cụm công nghiệp đối với các cụm công nghiệp đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”. Nhờ vậy, đến nay đã có 10 cụm công nghiệp được doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng với tổng mức đăng ký gần 1.800 tỷ đồng; đến nay các doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 930 tỷ đồng, trong đó 05 cụm công nghiệp đã đầu tư cơ bản kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí đã đầu tư khoảng 770 tỷ đồng như Cụm công nghiệp Thái Yên với diện tích 15,75ha do Công ty cổ phần Đầu tư IDI làm chủ đầu tư đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng và thu hút được 89 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh; hay Cụm công nghiệp Yên Huy với diện tích 12ha do Công ty TNHH Yên Huy làm chủ đầu tư đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút được 38 dự án sản xuất kinh doanh và 02 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng trong cụm công nghiệp
Do các cụm công nghiệp đã xây dựng đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trong điều kiện ngân sách tỉnh có hạn, phải cấp qua nhiều năm, vừa xây dựng vừa thu hút đầu tư nên không tránh khỏi một số bất cập trong xây dựng cũng như hoạt động của các dự án đầu tư. Nhằm khắc phục sự thiếu đồng bộ trong xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp và thực hiện quy định tại Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh, trong năm 2020 UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ và Cụm công nghiệp huyện Can Lộc, huy động được khoảng 413 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp từ nguồn xã hội hóa.
Trong giai đoạn ngân sách Trung ương "rót" về tỉnh, cũng như ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố còn eo hẹp; vì vậy, chủ trương, chính sách của tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp theo hướng xã hội hóa là hết sức đúng đắn, đặc biệt từ khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã có các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, đề xuất đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, có 03 cụm công nghiệp (CCN Tân Lâm Hương, CCN Bắc Cẩm Xuyên 2 và CCN Cổng Khánh 3) ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh và đã thực hiện hồ sơ thành lập cụm công nghiệp theo quy định; 03 cụm công nghiệp (CCN Kỳ Tân, CCN Lâm Hợp, CCN Hương Long) đã được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đề xuất đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Trong những năm qua, các cụm công nghiệp đã thu hút 321 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 291 dự án đi vào hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp với tổng diện tích đã cho thuê khoảng 180ha, giải quyết việc làm cho hơn 8.300 lao động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm hơn 6.000 tỷ đồng. Riêng các cụm công nghiệp xã hội hóa đầu tư đã thu hút được 143 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 2.550 tỷ đồng, trong đó có 135 dự án với tổng mức đầu tư 2.120 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động.
Mặc dù vậy, công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn một số tồn tại, khó khăn, như: Vị trí địa lý của tỉnh Hà Tĩnh xa các trung tâm kinh tế của khu vực (Hà Nội, Đà Nẵng) nên việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng để đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn gặp khó khăn; năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn còn yếu, nhất là khả năng tài chính; trong khi với 01 dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp thường có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn chậm. Số cụm công nghiệp chưa được xã hội hóa còn khá lớn, nếu được ngân sách hỗ trợ thì chỉ đủ để các địa phương thực hiện những hạng mục chính, như bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp, đường giao thông nội bộ và hệ thống thoát nước thải…; không có nhà đầu tư hạ tầng dẫn đến các doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm” trong việc xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải...; đồng thời, việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp còn gặp không ít khó khăn do các doanh nghiệp “ái ngại” khi thuê đất phải tự đứng ra thực hiện mọi thủ tục. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đủ mạnh nhưng nhiều dự án hạ tầng cụm công nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện hỗ trợ “Đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng (nếu có) hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận có tỷ lệ lấp đầy cụm nghiệp do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tàng đạt từ 30% trở lên” nên chưa lập hồ sơ để đề xuất hỗ trợ dù thời hiệu chính sách không còn nhiều. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đang thực hiện theo 02 thủ tục là thành lập, mở rộng cụm công nghiệp gắn với lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; do các quy hoạch chưa đồng bộ với quy hoạch tỉnh nên việc thành lập cụm công nghiệp khi các quy hoạch liên quan chưa kịp thời điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. nên nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà. Mặt khác, do chưa có cơ chế trong việc chuyển giao quản lý cụm công nghiệp do nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa nên việc thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn gặp khó khăn.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, giúp các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn nói trên, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Tăng cường tuyên truyền, vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Đối với cụm công nghiệp mới tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp có năng lực, kinh nghiệm đảm bảo các yếu tố như suất đầu tư cao, công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào đầu tư tại các cụm công nghiệp.
. Đối với cụm công nghiệp đã được ngân sách đầu tư (toàn bộ hoặc một phần) cần sớm đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách phù hợp để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, quản lý hạ tầng cụm công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả hoạt động cụm công nghiệp; trường hợp không chuyển đổi được sang hình thức xã hội hóa thì ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt ưu tiên đầu tư hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường
Thứ hai, Hoàn thiện, công bố các phương án, quy hoạch, cơ chế, chính sách liên quan đến cụm công nghiệp. Trước mắt tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương án phát triển cụm công nghiệp điều chỉnh trong Quy hoạch tỉnh điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời, thực hiện cập nhật, rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời các quy hoạch trên địa bàn liên quan như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung cấp xã, quy hoạch xây dựng đô thị...
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến cụm công nghiệp, nhất là quy định “Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp” theo quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ; tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất, đơn giá thuê đất trong các CCN; quy định đơn giá các dịch vụ công ích trong các cụm công nghiệp…
Thứ ba, Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh để thực hiện chính sách phát triển cụm công nghiệp, trong đó cần phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút dự án đầu tư vào cụm công nghiệp để sớm đáp ứng điều kiện hỗ trợ, nhất là “có tỷ lệ lấp đầy cụm nghiệp do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng đạt từ 30% trở lên”.
Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu khu công nghiệp, cụm công nghiệp và từ Quỹ khuyến công quốc gia để làm động lực khuyến khích, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp
Thứ tư, Tiếp tục cải cách hành chính để hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, môi trường, kết nối với các sở, ngành, đơn vị liên quan để cùng giúp đỡ hoàn thiện các thủ tục đảm bảo theo đúng thời gian, nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp để tạo “lực hút” trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Hà - Phó Chánh Văn phòng Sở Công Thương